Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Cùng đi với Tổng Bí thư có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư và tỉnh Hà Giang.
Hà Giang có bước phát triển khá toàn diện
Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, đầy ắp chiến công, là nơi sinh sống của gần 20 dân tộc anh em, với nền văn hóa phong phú, đặc sắc. Người dân Hà Giang có truyền thống cần cù, chịu khó, gắn bó với thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế trong điều kiện tự nhiên khó khăn, khắc nghiệt.
Tại buổi làm việc, trình bày báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hầu A Lềnh cho biết, với ý chí quyết tâm và sự đoàn kết, thống nhất cao, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương được quán triệt, học tập, triển khai sâu rộng, cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện có hiệu quả. Các cấp ủy quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và Tỉnh ủy; chỉ đạo nâng cao chất lượng chuẩn bị báo cáo chính trị, công tác nhân sự đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng. Đến nay, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã hoàn thiện lần thứ 5, gửi xin ý kiến Đại hội các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Công tác xây dựng, củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên gắn với kết nạp đảng viên mới được chú trọng. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2024 tăng gấp 1,4 lần so với năm 2020; cơ cấu kinh tế đa dạng và chuyển dịch tích cực, hướng đến công nghiệp và dịch vụ. Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2020 - 2024 đạt 5,32% (trong đó năm 2024 đạt 6,05%). Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 39,3 triệu đồng, tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2020. Các tuyến đường giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường tới huyện xã, thôn bản đều được quan tâm đầu tư, nâng cấp, hoàn thành nhiều tuyến quan trọng. Hạ tầng lưới điện truyền tải và phân phối được đầu tư, hiện đại hóa; hạ tầng viễn thông được chú ý nâng cấp, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Đến nay, 100% các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã đã sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng và ứng dụng chữ ký số trong xử lý văn bản điện tử. Kết quả đánh giá chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh xếp vị trí thứ 12/63 tỉnh, thành phố.
Công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả đáng kể, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm đều qua các năm (năm 2024 giảm 6,26%); giai đoạn 2024-2026 đã hoàn thành việc xóa hơn 19.500 nhà tạm và nhà dột nát, cải thiện đời sống người dân. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, sắp xếp tinh gọn, giảm 300 điểm trường, hình thành các cụm điểm trường cấp tiểu học, chuyển học sinh tiểu học từ các điểm trường về học tại trường chính. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 10,17 bác sỹ/vạn dân, 45,7 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 97,25%.Việc giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch đã khai thác tốt tiềm năng văn hóa, góp phần nâng cao đời sống của người dân và thu hút du khách, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh thực hiện tốt việc phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Phát huy tiềm năng, khơi thông nguồn lực
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng khi thấy tỉnh Hà Giang luôn chủ động, nhanh chóng triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương bằng các Nghị quyết chuyên đề để tiếp tục thực hiện sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Hà Giang đã có bước phát triển khá toàn diện các mặt kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong nỗ lực cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Ghi nhận và biểu dương những thành tựu mà các Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang đã đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra những tiềm năng phát triển của địa phương cần tập trung khai thác như: nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo và quý giá cho phát triển một số sản phẩm nông nghiệp đặc hữu. Hà Giang có các vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt, có thể phát triển cây trồng, vật nuôi vùng núi cao mang tính đặc trưng, khác biệt, đặc sản nông nghiệp vùng cao. Khí hậu ôn đới núi cao, mát mẻ quanh năm mang lại lợi thế phát triển nhiều loại dược liệu quý có thể phát triển quy mô công nghiệp ở nhiều tiểu vùng. Hệ thực vật rừng nguyên sinh của Hà Giang phong phú có rất nhiều loại dược liệu tự nhiên quý giá. Việc kết hợp khai thác bền vững tài nguyên rừng với bảo tồn đa dạng sinh học là cơ hội phát triển ngành dược liệu xanh của tỉnh. Tỉnh cũng có tài nguyên du lịch dồi dào và đặc sắc. Hà Giang nằm ngay cạnh thị trường tiềm năng có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đó là một lợi thế lớn về thị trường. Lực lượng lao động trẻ dồi dào và chịu khó…
Về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, tỉnh cần tiếp tục công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh văn hóa, con người, khối Đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời yêu cầu, tỉnh tiếp tục chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp theo đúng tinh thần Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; đặc biệt là công tác nhân sự Đại hội và xây dựng văn kiện Đại hội. Các nghị quyết Đảng bộ xã, huyện phải được triển khai ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội ở từng cấp và phải thực sự tạo chuyển biến ở từng cấp, từng thôn bản, từng người dân.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, phát huy mọi tiềm năng, khơi thông mọi nguồn lực, đưa Hà Giang phát triển toàn diện, Tổng Bí thư nêu rõ, Hà Giang có tiềm năng lớn về 3 lĩnh vực trụ cột: Du lịch; kinh tế biên mậu; nông lâm nghiệp và dược liệu chất lượng cao. Từ những lợi thế tự nhiên và xã hội, muốn hiện thực hóa những tiềm năng thành những thành tựu lớn trong phát triển, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của Hà Giang phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, năng động, sáng tạo, đổi mới chính mình, dám nghĩ, dám làm, cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động tìm giải pháp không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương.
Tổng Bí thư lưu ý, thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, tăng cường các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất trong cả nông nghiệp, thương mại, dịch vụ để khắc phục những hạn chế về phân mảnh, nhỏ lẻ và chia cắt. Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, đa chức năng: tập trung phát triển nông nghiệp thông minh, đặc sản, hữu cơ, an toàn gắn với phát triển du lịch bền vững; phát triển cơ sở hạ tầng. Hà Giang cần chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu, phát triển dịch vụ logistics, hạ tầng y tế, giáo dục và các hạ tầng thông minh. Phát triển kinh tế số và thương mại điện tử lại càng quan trọng với những địa phương xa xôi cách trở như Hà Giang. Chú trọng quản lý phát triển rừng và tài nguyên nước, đây là hai tài nguyên quý giá, tác động lớn đến tương lai phát triển bền vững của Hà Giang.
Tổng Bí thư căn dặn chú trọng gìn giữ, bảo vệ an ninh biên giới, an ninh trật tự và an toàn xã hội; an ninh biên giới phải gắn với bảo vệ văn hóa và phát triển kinh tế biên giới; khuyến khích người dân định cư lâu dài ở khu vực biên giới thông qua cách chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế; nâng cao ý thức quốc phòng, khuyến khích các dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới và duy trì ổn định địa bàn. Tỉnh cần chú ý nâng cao đời sống cho nhân dân, không để chênh lệch giàu nghèo trong các đồng bào dân tộc; phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo bền vững.
Cơ bản nhất trí với những đề xuất, kiến nghị xác đáng, cần thiết của tỉnh, Tổng Bí thư đề nghị tiến hành sớm nhất trong điều kiện có thể; giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hà Giang gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với từng vấn đề cụ thể.
Với tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm cao, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang tổ chức thực hiện thật tốt các chủ trương của Đảng, quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng trung tâm “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, bám sát các trụ cột quan điểm mới ra đời xung quanh “tư tưởng trung tâm”, biến nhận thức hành hành động cụ thể, tạo hiệu quả trong cả hệ thống chính trị địa phương và mỗi cán bộ, đảng viên cũng như trong quần chúng nhân dân, trong đồng bào các dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất Hà Giang anh hùng.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã trao tặng quà cho 20 gia đình chính sách, người có công với cách mạng tỉnh Hà Giang.