Chiều 28/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP. Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri quận Ba Đình, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình . Ảnh: Trí Dũng – TTXVN |
Đa số cử tri phấn khởi nhận thấy Kỳ họp vừa qua của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, theo hướng mở rộng dân chủ, nhiều phiên họp được truyền hình trực tiếp, kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được công bố công khai để toàn dân cùng biết. Cử tri cũng đề cập nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, chưa được giải quyết triệt để như giao thông đô thị, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà văn hóa cho các khu dân cư, nơi sinh hoạt vui chơi giải trí cho thiếu nhi, nhất là trong dịp hè.
Cử tri Lương Quân Ngọc (phường Trung Trực, quận Ba Đình) đề nghị tăng cường quản lý nhà nước đối với các mặt hàng nhập khẩu, tại sao nhiều mặt hàng trong nước sản xuất được, thậm chí đang tồn kho, nhưng vẫn tiếp tục nhập khẩu. Cử tri Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai) bày tỏ lo ngại trước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt kết quả như mong muốn. Cử tri cho biết mỗi kỳ họp Quốc hội, cử tri và nhân dân kỳ vọng có những quyết sách ngăn chặn được tình trạng đó; đồng thời mong muốn kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng. Cử tri cũng bày tỏ quan tâm về một số vụ việc liên quan đến quản lý đất đai tại Đà Nẵng, hoạt động của Vinashin, Vinalines và đề nghị cho biết đúng – sai, xử lý đến đâu để cử tri và nhân dân cùng biết.
Nhiều cử tri bày tỏ đồng tình, đánh giá cao việc lần đầu tiên Quốc hội nước ta tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, thể hiện vai trò giám sát tối cao của Quốc hội. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện công tâm, thể hiện ý nguyện của cử tri, qua đó những người đạt tín nhiệm thấp cần cố gắng hơn, nâng cao tinh thần trách nhiệm để đáp ứng sự mong đợi của cử tri, còn những người đạt tín nhiệm cao cần tránh chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp chân thành, xác đáng của cử tri để phản ánh với Quốc hội, các bộ, ngành chức năng; đồng thời trao đổi về từng vấn đề cử tri nêu. Tổng Bí thư đồng tình với nhiều ý kiến cử tri cho rằng, Kỳ họp thứ 5 tiếp tục có nhiều đổi mới theo hướng dân chủ, công khai, bàn bạc thẳng thắn, giải quyết nhiều nội dung công việc theo đúng chương trình kế hoạch, được cử tri và dư luận đánh giá là bước tiến mới về dân chủ, đây là điều đáng mừng.
Về việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Tổng Bí thư nêu rõ: Đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến gửi tới Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đây là sinh hoạt dân chủ trong đời sống chính trị đất nước. Điều 4 của Dự thảo là thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.
Xung quanh vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư chỉ rõ: Cần phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm là thăm dò tín nhiệm, không chỉ tiến hành ở Quốc hội mà cả các cơ quan Đảng. Quan trọng là công tâm, khách quan, trong sáng. Kết quả vừa qua cơ bản phản ánh đúng tình hình thực tế, những người đứng đầu các ngành then chốt có số phiếu tín nhiệm thấp, cần cố gắng nhiều hơn, tự điều chỉnh, cải tiến tốt hơn.
Xung quanh vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư nói: Đây là vấn đề liên quan đến nhiều nước, đến an toàn tự do hàng hải, liên quan đến độc lập chủ quyền quốc gia, hòa bình ổn định trong khu vực, cần xử lý bình tĩnh, tỉnh táo. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều hết sức coi trọng vấn đề này, chúng ta đã có cả Chiến lược về biển, đảo; đã thông qua Luật Biển Việt Nam; thành lập Ban chỉ đạo về Biển Đông... Tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, các kênh ngoại giao song phương, đa phương, chúng ta đều thể hiện rõ ràng, nhất quán quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Về thực hiện mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chúng ta kiên trì thực hiện, giai đoạn 2001 - 2011 đã thực hiện một bước. Đại hội XI của Đảng đã tuyên bố bước sang giai đoạn phát triển mới, với ba mũi đột phá về thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, quyết liệt thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm phát triển bền vững.
Một số cử tri băn khoăn khi thấy còn có ý kiến khác về một số vấn đề, chương trình, dự án lớn của đất nước, Tổng Bí thư cho rằng ý kiến khác nhau là do thông tin, cách nhìn, cách đánh giá khác nhau... Chính qua cái khác nhau, cọ xát để tìm ra chân lý, cần lắng nghe nhiều tiếng nói, chắt lọc ý kiến đúng, tìm ra tiếng nói chung, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao.
Trước sự quan tâm của nhiều cử tri, Tổng Bí thư khẳng định tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về xây dựng Đảng, đây là vấn đề chiến lược, một việc cụ thể nhưng có tính chất chiến lược; Đảng có trong sạch mới lãnh đạo được, có vững mạnh mới tiến lên được. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, lấy phiếu tín nhiệm chỉ là ngăn chặn, răn đe một bước, còn nhiều biện pháp khác, trong đó có việc xây dựng cơ chế chính sách...
Sắp tới cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết quan trọng này, phải làm thường xuyên, làm đi làm lại như “đánh răng, rửa mặt” hàng ngày. Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng phải đặt trong tổng thể, chính trị ổn định, đối ngoại phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, tính toán đầy đủ, toàn diện, biện chứng, làm từng bước vững chắc.
Nguyễn Thị Sự