Tọa đàm “Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền Nam”

Sáng 6/4, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đồng chí Lê Duẩn với cách mạng miền Nam”, nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2012), 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ một số nội dung: Đồng chí Lê Duẩn - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam; Đồng chí Lê Duẩn với việc chuẩn bị hoạch định đường lối cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Cống hiến của đồng chí Lê Duẩn trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau Hiệp định Giơnevơ (7/1954), đồng chí Lê Duẩn được phân công ở lại miền Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và thực tiễn khốc liệt ở chiến trường Nam bộ, năm 1956, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng Đề cương cách mạng miền Nam. Trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của cách mạng miền Nam, bản Đề cương do đồng chí Lê Duẩn khởi thảo có giá trị đột phá, khai thông, tạo niềm tin cách mạng, dấy lên phong trào Đồng khởi mạnh mẽ ở miền Nam những năm 1959 - 1960. Đề cương là sự chuẩn bị cả về cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta hoạch định đường lối cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đề cập về những cống hiến của đồng chí Lê Duẩn trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các tham luận nêu rõ: Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, trên cương vị Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, tranh thủ sự giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Những cống hiến của đồng chí Lê Duẩn trong lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam được thể hiện trong những tư tưởng chỉ đạo chủ yếu: Tư tưởng dám đánh và quyết thắng đế quốc Mỹ. Quyết tâm chiến lược này thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của toàn dân tộc, đồng thời là kết quả của tư duy cách mạng, khoa học, sáng tạo, đánh giá đúng tương quan lực lượng, năng lực lãnh đạo và khả năng biết khởi sự, biết điều khiển và biết kết thúc chiến tranh đúng lúc và có lợi nhất cho cách mạng.

Tư tưởng sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản: Đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Những tư tưởng chiến lược đúng đắn, sáng tạo nói trên được thể hiện trong đường lối kháng chiến của Đảng ta. Đó chính là nhân tố quan trọng hàng đầu để dân tộc ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - lập chiến công vĩ đại có ý nghĩa thời đại trong thế kỷ XX.

Các tham luận tại buổi tọa đàm một lần nữa khẳng định: Công lao, cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đặc biệt những sáng tạo của đồng chí về lý luận và đường lối cách mạng trong đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã nâng trình độ tư duy lý luận của Đảng ta, dân tộc ta lên một tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Những cống hiến đó đã đưa đồng chí Lê Duẩn lên tầm vóc một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta, một nhà lý luận sáng tạo của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh..

* Cùng ngày, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam”.

Trên 40 tham luận tại tọa đàm đã khắc họa rõ nét chân dung và những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đối với văn hóa và con người Việt Nam. Bên cạnh di sản tư tưởng lý luận đầy sáng tạo về chiến tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã để lại cho hậu thế một di sản tư tưởng lý luận vô cùng quý giá về truyền thống văn hóa và con người Việt Nam. Ông thực sự là một nhân cách văn hóa lớn, một tấm gương văn hóa ngời sáng. Đặc biệt, ông luôn gắn vấn đề văn hóa với chính trị, tư tưởng. Trong lý luận của mình, ông nhấn mạnh đến ý nghĩa việc giải phóng con người, đến tình thương và lẽ phải. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với người Mẹ, người phụ nữ Việt Nam - cội nguồn của sự lưu giữ, trao truyền tình thương và lẽ phải, tức là lưu giữ và trao truyền thống văn hóa dân tộc.

Nhiều tham luận cũng đã làm rõ những tư tưởng, lý luận của đồng chí Lê Duẩn về xây dựng văn hóa mới và con người mới; quan điểm về văn hóa dân tộc, con người trong văn hóa Việt Nam. Đáng chú ý là những nghiên cứu công phu, sâu sắc về tư tưởng văn hóa thẩm mỹ trong quan điểm cách mạng; góc độ văn hóa trong tư duy chính trị - quân sự; về hồn Việt và tính nhân văn cao cả của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn...

Hương Thủy - Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN