Dự lễ viếng có đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương (đang có chuyến công tác tại Quảng Trị ), đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng đông đảo cựu chiến binh và các tầng lớp nhân dân.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã dành phút mặc niệm, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ công lao, sự cống hiến to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với nền độc lập, thống nhất đất nước; đồng thời thành kính dâng hương, dâng hoa trước bàn thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được lập tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn để tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với vị tướng tài ba, đáng kính của dân tộc.
Trước anh linh của vị tướng tài ba gắn bó với con đường Trường Sơn huyền thoại, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị bày tỏ sẽ đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ đi trước đã phấn đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh là Nguyễn Văn Đông (sinh ngày 1/3/1923) trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Là một người thông minh, yêu nước và có chí lớn nên vào năm 1938, khi mới 15 tuổi ông đã sớm giác ngộ và tham gia Cách mạng. Năm 1939 ông đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong suốt cuộc đời cống hiến vì đất nước và dân tộc của mình, ông đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng trong mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó: Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI. Đặc biệt từ năm 1967 - 5/1976, Đồng chí được giao đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Bộ Chỉ huy kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ đội Trường Sơn 559... Trải qua nhiều cương vị công tác nhưng ông luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.
Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông được tín nhiệm giao trọng trách Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, chỉ đạo và chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trong giai đoạn này, ông đã có nhiều sáng kiến táo bạo, kịp thời, phù hợp với thực tiễn chiến đấu, đã để lại nhiều dấu ấn trong chỉ huy hợp đồng binh chủng bảo vệ giao thông vận tải trên toàn tuyến chi viện Trường Sơn để đối phó với các cuộc đánh phá điên cuồng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn bằng những phương châm sáng tạo: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “Địch đánh một, ta làm 10”, hay “Cầu, đường đi trước một bước"…
Do tuổi cao sức yếu, ông đã từ trần vào lúc 11 giờ 42 phút ngày 4/4, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 96 tuổi.
Trong suốt cuộc đời cống hiến vì đất nước và dân tộc của mình, ông luôn chăm lo và yêu thương, bồi dưỡng cho lực lượng vũ trang. Đồng chí luôn trọn vẹn nghĩa tình với đồng chí, đồng đội. Năm 1974, ông cùng với Bộ Tư lệnh Trường Sơn đề xuất xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn để quy tập, chăm sóc các đồng đội đã hy sinh anh dũng. Đến nay, nghĩa trang này đã quy tập được trên 10.000 hài cốt liệt sỹ về an táng. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục tinh thần yêu nước, cách mạng, nhắc nhở các thế hệ con cháu mai sau về một thời kỳ oanh liệt, một thiên anh hùng ca trong lịch sử cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.