Nỗ lực tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3
Tối 14/10, theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, cùng với các lực lượng khác, Bộ Quốc phòng đã giao cho nhiều đơn vị tham gia ứng cứu, tìm kiếm những người bị mất liên lạc trong vụ sạt lở tại tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sở Chỉ huy tiền phương đang tiếp tục chỉ đạo các lực lượng quyết liệt triển khai biện pháp tìm kiếm người mất tích.
Lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn tổng số là 983 người và 189 phương tiện các loại cùng 3 chó nghiệp vụ. Cụ thể: Bộ Quốc phòng điều động 666 cán bộ, chiến sỹ và 119 trang bị, phương tiện các loại và 3 chó nghiệp vụ; Bộ Công Thương điều động 5 người và 2 máy phát điện; lực lượng tại địa phương là 312 người và 68 phương tiện các loại.
Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết: Lực lượng Không quân đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Sáng 14/10, Quân chủng Phòng không Không quân đã triển khai máy bay trực thăng Mi-171E khởi hành từ sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) đến khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 để thả lương thực, thuốc men, tiếp tế cho người gặp nạn.
Về phía Quân khu 4, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 414, Sư đoàn 968, Lữ đoàn Thông tin 80, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được huy động để tham gia tìm kiếm. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cử lực lượng tham gia.
Để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ chỉ huy, điều hành và phối hợp giữa các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân trong vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3, Bộ Quốc phòng đã điều động tăng cường thêm lực lượng thuộc Lữ đoàn Thông tin 205, Binh chủng Thông tin liên lạc. Binh chủng đã điều động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị là những đồng chí có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm trong xử lý các phương án thông tin liên lạc, tìm kiếm cứu nạn mang tính khẩn trương, phức tạp nhận nhiệm vụ. Nhiều phương tiện trang bị mới và hiện đại nhất, phù hợp với hoạt động tìm kiếm tại khu vực rừng núi, gắn với điều kiện khí hậu thời tiết phức tạp cũng được đơn vị tăng cường, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho quá trình chỉ huy và phối hợp hiệp đồng của các lực lượng tham gia tìm kiếm tại hiện trường vụ sạt lở.
Ban Chỉ đạo Sở Chỉ huy tiền phương chỉ đạo tranh thủ tình hình thời tiết, đẩy nhanh tiến độ khai thông các điểm sạt lở. Khoảng 12h30 ngày 14/10, một nhóm lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được vị trí khu vực nhà kiểm lâm tại Tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm sông Bồ - nơi có 13 người trong đoàn công tác bị vùi lấp, mất tích. Hiện nay, lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm những người mất tích tại vị trí này, có sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm.
Ngày 15/10, các lực lượng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ tổ chức tìm kiếm Đoàn công tác 13 người mất tích tại khu vực nhà Kiểm lâm; đồng thời tiếp tục san, gạt thông đường vào Thủy điện Rào Trăng 3, tìm kiếm số công nhân bị mất tích.
Trước đó, chiều 14/10, lực lượng cứu hộ đã đưa 19 người, trong đó có 1 người tử vong từ Thủy điện Rào Trăng 4 về Bệnh viện Quân y 268 và Bệnh viện đa khoa Phong Điền.
Cũng trong chiều 14/10, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, khoảng 16 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã khôi phục kết nối liên lạc với Thủy điện Alin B2, hiện toàn bộ 14 công nhân của Thủy điện Alin B2 đều an toàn. Công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn đang được tích cực triển khai với quyết tâm tiếp cận và đưa các nạn nhân ra khỏi vùng sạt lở một cách nhanh nhất.
Ngày 14/10, tại Hà Tĩnh, lãnh đạo UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân bị nạn do sạt, lở đất ở công trình Thủy điện Rào Trăng 3. Trước đó ngày 12/10, một vụ sạt, lở đất tại công trường Thủy điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân đang làm việc tại đây mất tích. Sau khi vụ sạt lở xảy ra, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 3 thi thể bị vùi lấp trong đất đá. Bước đầu xác định danh tính của các nạn nhân này gồm: Lê Văn S. (sinh năm 1984), Lê Văn H. (sinh năm 1983) và Nguyễn Đình N. (sinh năm 1984), đều trú tại thôn Xuân Tây, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Khẩn trương khắc phục thiệt hại sau mưa lũ
Ngày 14/10, nước lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bắt đầu rút. Công tác dọn dẹp các trường học được tỉnh Quảng Trị ưu tiên triển khai với phương châm “nước rút đến đâu khắc phục nhanh, hiệu quả đến đó” nhằm nhanh chóng ổn định hoạt động dạy và học bị gián đoạn nhiều ngày qua do mưa lũ.
Cụ thể, tại những nơi nước bắt đầu rút, các trường học huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và sự hỗ trợ của các lực lượng Đoàn thanh niên, quân sự triển khai dọn dẹp. Đến sáng 14/10, công tác dọn dẹp vệ sinh trường học đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, mưa lũ kéo dài khiến toàn ngành bị thiệt hại gần 9,5 tỷ đồng. Nhiều trường học bị ngập sâu trong nước khiến móng sụt lún, tường rào và cây xanh bị gãy đổ; các thiết bị dạy học như đồ chơi học sinh, bàn ghế, sách vở, máy vi tính, âm thanh loa máy bị ướt. Công tác dọn dẹp tại các trường học đang được khẩn trương triển khai. Đối với những trường học nước rút chưa hết cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phương án và dụng cụ để dọn dẹp khi nước rút. Nhằm hỗ trợ cho các trường dọn vệ sinh, ngay trong ngày 14/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã trao tặng 13 máy xịt nước trị giá 2,2 triệu đồng/máy cho các trường vùng trũng của huyện Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.
Tại Thừa Thiên - Huế, ngày 14/10, các cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự thành phố Huế phối hợp với Trung tâm công viên cây xanh Huế tổ chức ra quân dọn dẹp rác, bùn non tại khu vực dọc bờ sông Hương.
Tại khu vực này, rác thải, bùn non phủ thành lớp dày, các lực lượng sử dụng cào, chổi, máy bơm công suất để xịt, đẩy bùn non; dùng thuyền vớt rác tập kết nhiều ở hai bờ sông, các chân và gầm cầu. Các lực lượng làm việc rất khẩn trương với phương châm “nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó”. Đợt này, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Huế cũng đã cử cán bộ, chiến sĩ đến các vùng, các phường để phối hợp và giúp đỡ tổng dọn vệ sinh đường phố, dọn rác thải, nhanh chóng trả lại mỹ quan cho đô thị Huế.
Hiện nay, thành phố Huế và các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát động toàn dân tổng vệ sinh môi trường nhằm sớm trả lại mỹ quan đô thị, ổn định cuộc sống, giao thông sạch thoáng. Những đoạn đường ngập bùn sâu, dùng xe gạt gom lại để vận chuyển đi nơi khác. Các cán bộ chiến sĩ quân đội, công an cũng tăng cường về các địa phương giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên - Huế, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo dọn vệ sinh trường lớp để học sinh đi học trở lại bình thường. Các thầy cô giáo, đoàn viên, thanh niên đã và đang dọn dẹp hàng ngàn mét khối bùn đất, rác thải ứ đọng sau lụt, lau chùi bàn ghế, dụng cụ học tập, đồ chơi, rửa dọn phòng học, sân chơi thiếu nhi ngoài trời nhằm trả lại môi trường sạch sẽ, cảnh quan sạch đẹp, thông thoáng để sớm đón học sinh trở lại học.
Cũng trong ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác vận hành hồ chứa tại công trình hồ chứa nước Tả Trạch, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tập trung toàn lực lượng để tăng cường cứu hộ cứu nạn những người dân bị mất tích; tập trung ứng phó, cứu trợ ở vùng thấp trũng, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu lương thực, nước uống; sẵn sàng các điều kiện để phục hồi sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân trong thời gian tới.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến 9 giờ ngày 14/10, mưa lũ trên địa bàn đã khiến 9 người thiệt mạng, 7 người bị thương; 27 nhà hư hỏng và 84.963 nhà bị ngập lụt từ 1 - 2,5m, một số nơi cao hơn. Hầu hết các tuyến đường tỉnh, đường huyện đã ngập sâu, tắc giao thông, ngành giao thông đã rào chắn, hạn chế đi lại. Hơn 332 hecta hoa màu, 150 hecta sắn, 1 hecta cây ăn quả, 10 hecta đất trồng hoa và 10.000 chậu hoa các loại bị hư hại. Các lực lượng chức năng đã di dời, sơ tán tại chỗ 12.075 hộ dân với 37.190 nhân khẩu trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, Điện lực Thừa Thiên - Huế đã khôi phục cung cấp cho 59,2% nguồn điện trên cho những vùng cao, đảm bảo an toàn cấp điện.
Tại Quảng Nam, sau những ngày mưa lũ vừa qua, hầu hết tất cả địa bàn 18 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Quảng Nam đều bị thiệt hại. Tại huyện Đại Lộc - vùng “rốn lũ” của tỉnh, hầu hết các tuyến đường giao thông đều hư hỏng và ngập trong bùn non.
Tại huyện Núi Thành, địa phương xảy ra vụ lật tàu khi đang neo đậu trên cửa sông Trường Giang, thuộc địa bàn xã Tam Hải khiến 2 cha con ông Nguyễn Diệp (sinh năm 1967) và Nguyễn Phúc (sinh năm 1997) bị mất tích, hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà đang phối hợp với chính quyền các cấp khẩn trương triển khai trục vớt con tàu và tìm kiếm 2 cha con ông Nguyễn Diệp.
Để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân ổn định cuộc sống, sản xuất, chính quyền các địa phươngcủa tỉnh Quảng Nam tổ chức đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu và nước uống cho các gia đình bị thiệt hại, gia đình chính sách; huy động các lực lượng khẩn trương thu dọn cây ngã đổ và rác trên đường, vệ sinh môi trường, đảm bảo giao thông đi lại. Công ty Điện lực Quảng Nam huy động lực lượng phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương khắc phục hệ thống điện, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân
Di dời dân ở ngoài đê biển, kiên quyết không để người dân ở lại
Trước đó, sáng 14/10, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với với bão số 7.
Chủ trì cuộc họp, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 25/CĐ-TWPCTT của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 7 nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản nhân dân. Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát người dân ở ngoài đê biển, tàu thuyền, chòi canh, kiên quyết không để người dân ở lại, cần thiết phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn”.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh: Rút kinh nghiệp tàu Vietship, các địa phương có phương án neo đậu để đảm bảo an toàn. “Tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu thuyền, chòi canh, nếu chủ quan mà để xảy ra như tàu Vietship phải dùng trực thăng để cứu là rất nguy hiểm. Vấn đề sạt lở đất cũng vậy, chỗ nào có nguy cơ phải rà soát, di dời ngay. Tránh hậu quả đáng tiếc như đoàn cứu hộ, cứu nạn”.
Ứng phó với bão số 7, chiều 14/10, nhiều trường học ở Nghệ An đã cho học sinh nghỉ học. Cụ thể, tại thị xã Cửa Lò, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Phùng Đức Nhân cho hay, địa bàn chưa chịu ảnh hưởng nhiều của cơn bão số 7 nhưng Phòng đã ra thông báo để các trường Mầm non trên địa bàn thị xã cho học sinh nghỉ học. Học sinh bậc Tiểu học và Trung học Cơ sở sẽ học hết buổi sáng và nghỉ buổi chiều 14/10.
Tương tự, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu đã có văn bản chỉ đạo các trường học chủ động theo dõi diễn biến bão để có phương án phù hợp đảm bảo an toàn cho học sinh. Cùng với đó, các trường thực hiện phương án đảm bảo an toàn tài sản, cơ sở vật chất công trình, lớp học.
Ở khu vực các huyện đồng bằng, vùng hạ lưu sông Lam, đề phòng ảnh hưởng bão gây mưa lớn, lũ lụt, nhiều trường học đã thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều 14/10.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn Lê Trung Sơn cho biết, sáng 14/10, học sinh trên địa bàn huyện vẫn học bình thường. Tuy nhiên, Phòng đã yêu cầu các trường cho học sinh nghỉ học vào buổi chiều. Phòng đã cử cán bộ trực tiếp xuống một số trường có cơ sở vật chất khó khăn như các trường: Mầm non, Tiểu học Xuân Hòa, Tiểu học Vân Diên hoặc trường đang xây dựng như Trường Trung học Cơ sở Vân Diên để kiểm tra, có giải pháp phòng, chống bão thích hợp.
Tại thành phố Vinh, thời gian biểu được sắp xếp lại để học sinh tan trường sớm hơn bình thường. Riêng buổi chiều, lịch học của các trường đã hủy để phòng tránh bão.