Tình hình COVID-19 ngày 10/5: Thêm trường hợp sốc phản vệ sau tiêm vaccine, Bộ Y tế gửi công văn tới các bệnh viện

Ngày 10/5, tình hình COVID-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp với tổng số ca lây nhiễm cộng đồng trong ngày lên tới 125. Trong ngày, Bộ Y tế thông tin về một ca sốc phản vệ sau tiêm vaccine; xử lý nghiêm các vi phạm công tác phòng chống dịch và tung tin đồn thất thiệt; Hà Nội xem xét tạm dừng kinh doanh quán bia...

Tăng thêm 129 ca mắc mới COVID-19, trong đó 125 ca lây nhiễm cộng đồng

Chú thích ảnh
Xét nghiệm sàng lọc người mắc COVID-19. Ảnh: Lê Phú

Từ 18 giờ ngày 9/5 đến 18 giờ ngày 10/5, cả nước ghi nhận thêm 129 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 125 ca do lây nhiễm cộng đồng. 3 bản tin trong ngày của Bộ Y tế chỉ rõ: Số ca mắc ghi nhận lúc 6 giờ sáng là 80 ca (có 78 ca cộng đồng); lúc 12 giờ trưa là 32 ca (có 31 ca cộng đồng) và 18 giờ chiều là 17 ca ( có 16 ca cộng đồng).

Như vây,  đến 18 giờ ngày 10/5, Việt Nam có tổng cộng 2.028 ca ghi nhận trong nước và 1.433 ca nhập cảnh; số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 458 ca.

Hiện tổng số mẫu xét nghiệm từ 27/4 đến nay trên cả nước là 211.016 mẫu. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 59.198 người, trong đó: Cách ly tập trung tại Bệnh viện 991 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 25.804 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 32.403 người.

Ngày 10/5, cả nước có thêm 16 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 67 ca.

Tính đến hiện tại,  ghi nhận ở 26 tỉnh, thành trên cả nước. Hà Nội ghi nhận 49 ca, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 79 ca, Bệnh viện K 12 ca.

Thêm một ca sốc phản vệ sau tiêm vaccine COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện bảo đảm an toàn

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 cho cán bộ y tế tuyến đầu. Ảnh: TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Y tế, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: Ngày 10/5 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có một ca bị sốc phản vệ sau tiêm chủng vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

Người bị sốc là nữ điều dưỡng 31 tuổi của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng, đã được khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng.

Sau khi tiêm, bệnh nhân bị ù tai, khó thở, đã được xử lý chống sốc theo đúng phác đồ và sau đó được cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện nữ điều dưỡng này trong tình trạng đang an thần thở máy, huyết động ổn định nhờ các thuốc vận mạch.

Ngay trong ngày 10/5, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội yêu cầu triển khai công tác an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, nhằm phát hiện và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Ban chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các Bệnh viện triển khai công tác an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID- 19 cho đối tượng thuộc các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành, các cơ quan ngang Bộ và tổ chức quốc tế trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể:

Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các Bệnh viện thực hiện khám sàng lọc theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID -19 của AstraZeneca ban hành kèm theo Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Các đơn vị thực hiện xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine COVID-19 theo các Hướng dẫn chuyên môn như: Hướng dẫn xử trí cấp cứu phản vệ, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine COVID-19.

Đồng thời các đơn vị bố trí đơn nguyên sẵn sàng tiếp nhận, thu dung điều trị người bệnh gặp sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine trong thời gian bệnh viện tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đặc biệt, khi có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng xảy ra, các Bệnh viện phải khẩn trương tổ chức cấp cứu theo hướng dẫn trên và đồng thời báo cáo Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh); liên hệ hội chẩn trực tuyến đặc thù trong trường hợp cần thiết.

Hà Nội yêu cầu người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền không được ra khỏi thành phố, xem xét tạm dừng kinh doanh bia hơi, giãn cách

Chiều 10/5, Thường trực Thành uỷ Hà Nội cùng với UBND TP, Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của TP họp trực tuyến đến các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, Sở Y tế nhận định, các ca bệnh tại Hà Nội đều xác định được nguồn lây truyền, tuy nhiên nguy cơ phát sinh thêm các ca mắc mới trong cộng đồng trong thành phố vẫn rất cao. Trước mắt, TP vẫn cần phải chuẩn bị các kịch bản trong trường hợp tiếp tục phát sinh, ghi nhận các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
Hà Nội xem xét tạm dừng hoạt động các quán bia hơi để phòng dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, ứng phó với đợt dịch này, các chỉ đạo phòng, chống dịch đều cao hơn mức quy định, tập trung cao độ vào 11 quận, huyện và 28 điểm cách ly. Nguy cơ số ca mắc COVID-19 sẽ tăng ở 3 nhóm, gồm: F1 đang được cách ly; 2 bệnh viện đang cách ly trên địa bàn và các F0 từ các địa bàn lân cận.

Vì vậy, ông Chu Ngọc Anh cho rằng, Hà Nội cần tăng cường chỉ đạo xuyên suốt trong thời gian tới, tăng cường các biện pháp phòng dịch ở công viên, vườn hoa, sân bóng, quán bia hơi… tăng khoảng cách giãn cách “5K” ở mức cao hơn; nâng mức khuyến cáo người dân từ “không ra khỏi nhà nếu không cần thiết” thành “tụ tập đông người sẽ bị xem xét xử lý”…

Theo nhận định, trong thời gian tới dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đồng chí Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị từ quận, huyện đến xã, thôn, tổ dân phố phải thực sự là những “tư lệnh” trên mặt trận chống dịch với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “4 tại chỗ”, "rà từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”; Phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với các giải pháp phù hợp từng đặc điểm, điều kiện, thời điểm của địa bàn, khu vực thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.

Nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất vì sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của nhân dân, Bí thư Thành uỷ Hà Nội yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã các địa phương có dịch chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn mình; đặc biệt không được ra khỏi thành phố, không được lơ là bỏ địa bàn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ thực tế, hiện nay, một số loại hình kinh doanh không thiết thực như bia hơi… gây ra tình trạng tập trung đông người. Qua đó, TP xem xét tạm dừng thêm loại hình kinh doanh này. Trong thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ sớm có quy định cụ thể về khoảng cách giãn cách người với người đến việc tránh tụ tập đông người.

Xử lý nghiêm vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc

Ngày 10/5, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có văn bản hỏa tốc số 3836/CV-BCĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.

Công văn nêu rõ, ngày 23/2/2021, Bộ Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có văn bản số 1096/BYT-MT về việc tăng cường phòng, chống dịch trong tình hình mới tại nơi làm việc. Tuy nhiên công tác này tại nơi làm việc và tại các cơ sở sản xuất kinh doanh ở nhiều tỉnh, thành phố chưa được thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo.
Nhiều tỉnh, thành phố còn chưa xây dựng kế hoạch và phương án cách ly phòng, chống dịch COVID- 19 khi có trường hợp dương tính với COVID-19 xảy ra tại khu công nghiệp; chưa thực hiện cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Việc tập huấn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế (chỉ thực hiện được cho 5 - 10% số cơ sở sản xuất kinh doanh).

Ban Chỉ đạo nêu rõ, hiện nay tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở Việt Nam với biến chủng mới, có mức độ lây nhiễm cao, lây lan nhanh trong cộng đồng. Tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, đặc biệt đã có nhiều trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện tại khu công nghiệp như tại Hải Dương, Bắc Giang.

Xử phạt chủ tài khoản facebook đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19 tại Hà Nội

Ngày 10/5, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Duy, chủ tài khoản facebook có tên “Hà Nội Phố” do đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Ông Trần Văn Duy, chủ tài khoản facebook "Hà Nội phố" làm việc với cơ quan chức năng do đăng thông tin sai sự thật về dịch COVID-19.

Cụ thể, vào hồi 19 giờ 30 phút ngày 4/5/2021, ông Trần Văn Duy đã sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân facebook có tên “Hà Nội Phố” (địa chỉ: https://www.facebook.com/hanoiphotv) đăng tải thông tin “Hà Nội Phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa” kèm theo 1 video về trải nghiệm đường phố Hà Nội ngày 4/5/2021, nội dung thông tin sai sự thật, vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Căn cứ Điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Duy số tiền 12,5 triệu đồng. Đồng thời, ông Duy đã thực hiện gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Yêu cầu tạm dừng sinh hoạt tôn giáo ở các địa phương có dịch COVID-19

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni, phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch.

Đối với các tỉnh, thành phố đã có các ca mắc COVID-19, hoặc nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng, Giáo hội yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương, tạm dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người.

Đối với các tỉnh, thành phố chưa phát hiện các ca mắc COVID-19, các chùa, cơ sở tự viện không tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người. Trong trường hợp thật sự cần thiết khi được chính quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn, hạn chế tối đa số lượng người tham dự; nghiêm túc khai báo y tế online, tiêm vaccine phòng dịch.

Công tác chuẩn bị Đại lễ Phật đản 2565, An cư kết hạ và Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện (2021-2026) của các địa phương đều phải căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế và thực hiện theo quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 của chính quyền địa phương.

Bộ GD-ĐT yêu cầu điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp

Trước diễn biến mới của dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo các Sở GD-ĐT; các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm về việc tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, các Sở GD-ĐT, các nhà trường nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng ở địa phương để nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học. Đồng thời, kích hoạt hệ thống phòng dịch, trang thiết bị phòng dịch trong nhà trường; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Các đơn vị điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

 

PV/Báo Tin tức
Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong 18 ngày qua
Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong 18 ngày qua

Bộ Y tế Lào chiều 10/5 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 25 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại 4/18 tỉnh, thành trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN