Chưa bổ nhiệm ngay người đứng đầu
Với mục tiêu xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, Bộ Công Thương ngay từ đầu nhiệm kì Chính phủ mới đã xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là công tác cải cách thể chế, cơ cấu bộ máy. Tháng 8/2017, Nghị định số 98/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức ngành của Bộ Công Thương đã được Chính phủ ban hành.
Sau khi tinh giản, sắp xếp lại bộ máy, lãnh đạo Bộ Công Thương đã có sự cân nhắc kĩ để chọn ra người đứng đầu các đơn vị mới thuộc Bộ. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Công Thương trao Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo cấp trưởng, phó nhiều đơn vị thuộc Bộ ngày 3/1/2018. Ảnh: Moit.gov.vn
|
Theo đó, Bộ đã cắt giảm 5 đầu mối (từ 35 Vụ, Cục và tương đương xuống còn 30 đầu mối, trong đó có 26 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập). Bộ Công thương đã sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị như: Vụ Phát triển nguồn nhân lực sáp nhập vào Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Thi đua khen thưởng sáp nhập vào Văn phòng Bộ; Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thành Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Thị trường châu Âu với Vụ Thị trường châu Mỹ thành Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ; Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công nghiệp với Viện Nghiên cứu Thương mại thành Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương...
Bên cạnh đó, tại các Cục, Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ đã cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng (tương đương giảm 36,5% số phòng).
Đầu năm nay, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Nghị quyết số 07-NQ/BCS (ngày 17/1/2018) quy định tạm thời về số lượng lãnh đạo cấp phòng trực thuộc các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ. Theo Nghị quyết này, các Phòng và tương đương có dưới 10 biên chế chỉ được có 1 Trưởng phòng và 1 Phó trưởng phòng. Phòng và tương đương có từ 10 biên chế trở lên chỉ được có 1 Trưởng phòng và không quá 2 Phó trưởng phòng. Đồng thời không bổ nhiệm chức vụ Hàm Trưởng phòng, Hàm Phó trưởng phòng được hưởng phụ cấp. Đối với các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại có thể bổ nhiệm Hàm Trưởng phòng, Hàm Phó trưởng phòng để thuận lợi trong công tác đối ngoại, nhưng không được hưởng phụ cấp và phải báo cáo xin ý kiến của Lãnh đạo Bộ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Ngay sau khi sắp xếp lại các đơn vị, Bộ Công Thương đã sắp xếp, bố trí nhân sự lãnh đạo của các đơn vị, điều chuyển cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, chỉ đạo các đơn vị mới thành lập hoặc đổi tên gọi thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đơn vị mới hoạt động. Hiện nay, các đơn vị theo cơ cấu tổ chức mới của Bộ đã đi vào hoạt động ổn định.
Liên quan đến vấn đề con người sau tinh giản bộ máy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng đây là vấn đề khó khăn, cần sự chia sẻ và đồng thuận của đội ngũ công chức, viên chức. Bộ đã có sự nghiên cứu để có giải pháp hài hòa giữa mục tiêu tinh giản bộ máy và bảo đảm lợi ích người lao động.
Do đó, sau khi có quyết định tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy Bộ Công Thương tháng 8 năm ngoái, nhiều Cục, Vụ của Bộ đã trống chức danh người đứng đầu, chỉ có phó vụ trưởng/phó cục trưởng phụ trách, không bổ nhiệm ngay vụ trưởng/cục trưởng. Từ đó đến nay, nhiều chức danh người đứng đầu đã được bổ nhiệm mới hoặc luân chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, dần kiện toàn bộ máy hoạt động của Bộ. Điều này giúp lãnh đạo Bộ tìm được người xứng đáng với vị trí mới.
Chẳng hạn, Bộ quyết định xóa bỏ Tổng cục Năng lượng, thành lập 3 đơn vị là: Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Vụ Dầu khí và than, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo. Các Cục, Vụ này ở thời điểm đó đều trống chức danh người đứng đầu mà được giao cho các Tổng cục trưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng phụ trách.
Một vị nguyên lãnh đạo Tổng cục cho biết: Từ một Tổng cục có 14 đơn vị gồm Văn phòng, 11 Vụ và 2 Trung tâm, sau tinh giản bộ máy chỉ còn lại 2 Vụ và 1 Cục. Mặc dù không tránh khỏi những khó khăn trong thời gian đầu bộ máy mới hoạt động nhưng sau một thời gian thì các đơn vị mới hoạt động vào nhịp, không có vấn đề gì vướng mắc.
Quy hoạch các đầu mối không chỉ là gộp lại
Bộ Công Thương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có những ngành rất quan trọng như công nghiệp điện, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế… Trước đây, bộ máy của Bộ Công Thương chủ yếu được sắp xếp cơ học, hợp nhất các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp của hai Bộ: Công nghiệp và Thương mại và đã hoạt động trong một khoảng thời gian khá dài.
Do đó, việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy của Bộ Công Thương rất phức tạp, khó khăn. Với 35 Cục, Vụ và tương đương trực thuộc (nhiều đầu mối đơn vị hành chính nhất trong các bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ), bộ máy hành chính bộc lộ nhiều bất cập như cồng kềnh, chất lượng đội ngũ công chức không đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ quản lý nhà nước không rõ ràng, “dẫm chân” lên nhau…
Bộ Công Thương đang là Bộ tiên phong trong tinh giản bộ máy hành chính. Ảnh: HD
|
Đến nay sau hơn nửa năm hoạt động với bộ máy mới, cán bộ công nhân viên trong Bộ đều nhận thấy mô hình hoạt động mới có nhiều ưu việt, công việc thống nhất một đầu mối, không bị trùng lặp.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Vụ Thị trường trong nước hợp nhất với Vụ Thương mại biên giới và miền núi thành Vụ Thị trường trong nước, quản lý các vấn đề liên quan đến thương mại trong nước, điều tiết cung - cầu nên đã hạn chế được những sự trùng lặp trong quản lý trước đây.
Hay như Cục Công nghiệp hình thành từ việc sáp nhập Vụ Công nghiệp nặng và Vụ Công nghiệp nhẹ, ban đầu có những ý kiến băn khoăn liệu Cục này có đảm đương nổi khối lượng công việc đồ sộ của 2 vụ quan trọng: công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. Song đến nay, Cục trưởng Trương Thanh Hoài cho biết với sự phân công công việc hợp lý, Cục vẫn hoạt động tốt và việc quản lý mang tính tổng thể toàn ngành công nghiệp.
Đặc biệt, việc sắp xếp, tinh giản bộ máy tại Bộ Công Thương không chỉ là gộp lại để giảm bớt đầu mối. Bộ Công Thương đã rất cầu thị lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp trong việc đón đầu xu thế hội nhập. Cụ thể, Bộ Công Thương thành lập 2 Cục mới là Cục Phòng vệ thương mại; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trên cơ sở Cục Quản lý cạnh tranh cũ.
Trước đây, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh trong các hội thảo luôn “kêu ca” rằng Cục bị quá tải khi có quá nhiều công việc, vừa phải quản lý hoạt động cạnh tranh trong nước, xử lý vụ việc doanh nghiệp nước ngoài “chèn ép” doanh nghiệp nội địa, vừa phải xử lý các vụ việc doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài kiện ngày một gia tăng – nói nôm na là vừa lo đi kiện, vừa lo bị kiện. Việc tách bạch 2 lĩnh vực quản lý là phòng vệ thương mại và cạnh tranh cho phép các Cục mới thành lập có thể đảm đương nhiệm vụ ngày một nặng nề trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các vụ kiện ngày một nhiều.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nếu người đứng đầu không quyết liệt bằng những kế hoạch cụ thể gắn với việc tổ chức phân công, phân cấp, giao trách nhiệm, đôn đốc, kiểm tra thì dễ dẫn đến tình trạng lơi lỏng và cuối cùng là không đạt được mục tiêu.
Việc tinh giản bộ máy hành chính của Bộ Công Thương diễn ra trong bối cảnh Bộ quyết liệt cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh ở các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đồng thời thực hiện tinh giản biên chế theo yêu cầu của Quốc hội. Điều đó cho thấy quyết tâm tái cơ cấu thể chế của Bộ rất bài bản và được tính toán kĩ.