Tin nổi bật trong tuần từ ngày 28/12/2020 - 3/1/2021

Việt Nam phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2; hệ thống thu phí không dừng ePass đi vào hoạt động; TP Hồ Chí Minh công bố thành lập thành phố Thủ Đức; đã có 53 ca mắc COVID-19 mới trong tuần, đều là ca nhập cảnh; sẽ sớm thử nghiệm vaccien COVID-19 thứ 2 lên người trong tháng 1; Lễ chào cờ và đón những du khách đầu tiên tại điểm cực Đông trên đất liền... là những thông tin nổi bật trong tuần qua, từ ngày 28/12/2020 - 3/1/2021. 

Ngày 29/12 đồng loạt triển khai thu phí không dừng

Trong ngày khai trương, đồng loạt ePass tại 35 trạm thu phí ở cả 3 miền Bắc- Trung- Nam đi vào hoạt động. Đây là hệ thống thu phí sử dụng đường bộ tự động không dừng – ePass do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện triển khai giai đoạn 2.

Chú thích ảnh
Trạm thu phí Định An đưa vào hoạt động hệ thống thu phí tự động không dừng từ ngày 14/12. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng/TTXVN

Trong số đó, 25 trạm Viettel thực hiện theo cam kết với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 10 trạm ngoài dự án là các trạm Viettel chủ động đàm phán và ký kết với các nhà đầu tư BOT.

Theo ước tính, sử dụng hệ thống thu phí không dừng ePass, người tham gia giao thông giảm thời gian đi qua trạm thu phí khoảng 60 lần so với thu phí bằng cách soát vé thủ công.

Khách hàng sử dụng dịch vụ ePass sẽ được trải nghiệm dịch vụ toàn trình trên nền tảng số từ đăng ký dịch vụ, phục vụ dán thẻ, thanh toán, chăm sóc khách hàng.

TP Hồ Chí Minh công bố thành lập thành phố Thủ Đức

Ngày 31/12, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên cả nước có một mô hình "thành phố trong thành phố" trực thuộc Trung ương.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh gộp các quận 2, 9 và Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức để tập trung đầu tư phát triển thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu, khẳng định: Việc thành lập thành phố Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân ba quận, mà còn là cột mốc phát triển của TP Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế; đề nghị TP Hồ Chí Minh sớm trình ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức.

“Thành phố Thủ Đức trong tương lai cần phát huy tính tự chủ, sáng tạo, thu hút đầu tư, thành hạt nhân, cực tăng trưởng mới của TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao, đảm bảo phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, phát triển khoa học, công nghệ cao; tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền, sắp xếp cán bộ dôi dư”, ông Uông Chu Lưu cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của ba quận là 2, 9 và Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. Thành phố Thủ Đức giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, khi thành lập thành phố Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bởi thành phố Thủ Đức khi được thành lập không chỉ là động lực phát triển kinh tế, mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP Hồ Chí Minh và 7% GDP cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, trước mắt, thành phố Thủ Đức cần ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự khi tiến hành sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức; đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân và doanh nghiệp khi ngày 7/2/2021 bộ máy của TP Thủ Đức mới chính thức được thành lập. Về lâu dài, thành phố Thủ Đức sẽ mở ra thời kỳ phát triển mới, trở thành “hạt nhân” thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân TP Hồ Chí Minh nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng.

Lễ chào cờ và đón những du khách đầu tiên tại điểm cực Đông trên đất liền

Ngày 1/1 Tết dương lịch 2021, tại điểm cực Đông nơi đón ánh nắng bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam (xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa), UBND tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ chào cờ đầu năm mới 2021 và chào đón những khách du lịch đầu tiên đến tham quan tại danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện.

Chú thích ảnh
Lễ chào cờ hướng về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Giai điệu hào hùng của bài Quốc ca tại nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam, hướng ra vùng biển, vùng trời, hải đảo làm cho lễ chào cờ đầu tiên của năm mới linh thiêng, hùng tráng và tự hào.

Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của chuỗi các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân đầy khởi sắc của Phú Yên. Bên cạnh đó nhằm tiếp tục giới thiệu, tuyên truyền hình ảnh danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện nổi tiếng đến với công chúng, du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Cùng với lễ chào cờ đầu năm mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú tổ chức đón và tặng quà cho những du khách đầu tiên đến với danh thắng quốc gia Bãi Môn - Mũi Điện.

Việt Nam phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Việt Nam đã ghi nhận 1 trường hợp là BN1435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01 (là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây).

Bộ Y tế vừa cho biết, theo báo cáo từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, ngày 22/12/2020, sân bay Cần Thơ tiếp nhận chuyến bay VN50 từ Anh tới Việt Nam. Chuyến bay có 305 hành khách, đã chuyển cách ly tập trung tại tỉnh Trà Vinh là 147 người, Vĩnh Long 137 người, TP. Cần Thơ 17 người và TP. Hồ Chí Minh 4 người.

Các địa phương đã tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm lần 1 và phát hiện 6 trường hợp mắc bệnh gồm: BN1429-BN1432 (tại Vĩnh Long) và BN1434-BN1435 (tại Trà Vinh). Ngay sau đó, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá, phân loại và giải trình tự gen các mẫu xét nghiệm.

Chú thích ảnh
Cách ly người nhập cảnh phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Kết quả đã ghi nhận 1 trường hợp là BN1435 nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 biến thể VOC 202012/01 (là chủng mới được ghi nhận ở Anh gần đây); đồng thời chủng gây bệnh cho BN1435 cũng có đột biến D614G là chủng được cho là làm lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.

Chồng của bệnh nhân này (sống cùng nhà) hiện đang ở Anh, đã tự đi xét nghiệm và cũng cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Việt Nam thêm 53 ca mắc COVID-19 mới trong tuần, có 2 ca nhập cảnh trái phép

Từ ngày 28/12/2020 - 3/1/2021, cả nước có thêm 53 ca mắc COVID-19 mới, đều là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay sau đó, gồm các BN 1442 - 1494. Tuy nhiên, có 2 ca nhập cảnh trái phép. 

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 3/1, Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 18.743; trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 160 trường hợp, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 17.008 trường hợp, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 1.575  trường hợp.

Trong khi đó, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong ngày 3/1, có 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là BN1356, BN1403. Số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 9 trường hợp, lần 2 là 6 trường hợp, lần 3 là 5 trường hợp.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 35 ca tử vong và 1.339 ca điều trị khỏi.

Trước đó, chiều ngày 30/12, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang vừa có Quyết định số 242/QĐ-ANĐT về việc khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” xảy ra tại huyện An Phú (tỉnh An Giang) vào ngày 24/12 theo Điều 348, Bộ luật Hình sự. Đây là vụ án liên quan đến 9 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, đã phát hiện 6 người, trong đó có 4 người bị nhiễm COVID-19. 

“Đây là vụ án phức tạp, gây hoang mang trong cộng đồng và ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chống dịch COVID-19 ở nước ta. Vì vậy, Ban Giám đốc Công an tỉnh An Giang quyết tâm chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp cùng các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh sớm bắt giữ các đối tượng có liên quan đến đường dây nhập cảnh trái phép này để trừng trị nghiêm minh theo pháp luật”, Đại tá Đinh Văn Nơi khẳng định.

Trước nguy cơ dịch COVID-19 quay trở lại, các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh sẽ sử dụng phần mềm khai báo y tế có cảnh báo khi phát hiện câu trả lời “Có” trong nội dung khai báo để sàng lọc phòng, chống COVID-19 tại bệnh viện thay cho khai báo bằng giấy.

Dự kiến thử nghiệm vaccine COVID-19 thứ 2 trên người trong tháng 1

Vaccine COVID-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) đóng tại tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, được thử nghiệm trên động vật như chuột đất vàng, chuột nhắt, thỏ... đã cho kết quả vaccine an toàn, tạo khả năng miễn dịch cao trên động vật.

Viện Vaccine và Sinh phẩm đề nghị Bộ Y tế cho phép thử nghiệm trên người vào tháng 1/2021, sớm hơn kế hoạch ban đầu 2 tháng.

Chú thích ảnh
Việt Nam tăng cường nghiên cứu phát triển vaccine COVID-19 - đến nay, Việt Nam đã tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax ngừa COVID-19 trên người giai đoạn 1. Ảnh minh họa: TTXVN

Đây là vaccine thứ 2 của Việt Nam được đưa vào thử nghiệm trên người, sau vaccine Nanocovax, của Công ty Nanogen thử nghiệm trên người giai đoạn một từ ngày 10/12/2020.

Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế cho biết, Viện bắt đầu thực hiện nghiên cứu Vaccine COVID-19 từ tháng 5/2020 với mục tiêu là sản xuất được vaccine và hoàn thành thử nghiệm lâm sàng 3 giai đoạn trong 18 tháng. Dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu sản xuất các loại vaccine cúm, Viện thiết lập quy trình bào chế vaccine này tương tự, sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi.

“Kết quả ban đầu khá tốt, chủng phát triển tốt và thích ứng với quy trình công nghệ hiện có. Việc thử nghiệm giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào tháng 4/2021. Giai đoạn 1 kéo dài khoảng 2 tháng, phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm trên người. Nếu kết quả của 3 giai đoạn đều tốt, sớm nhất cũng phải là cuối năm nay mới có vaccine”.  Tiến sĩ Dương Hữu Thái chia sẻ.

Trụ cổng trường đổ khiến một học sinh tử vong

Chiều 30/12, ông Nguyễn Thành Nên, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khiến một học sinh tử vong.

Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, một nhóm học sinh Trường tiểu học Lê Hữu Trác (thôn 3, xã Đắk Sin) đang chơi đùa bên cánh cổng sau của trường thì bất ngờ trụ cổng đổ khiến một học sinh lớp 4 (trú xã Đắk Sin) bị thương nặng và tử vong khi được cấp cứu.

Theo quan sát tại hiện trường, trụ cổng bị gãy đã được xây nhiều năm nay, bên trong không có cốt thép.

Đứt thang cuốn khiến 11 công nhân thương vong

Vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 2/1, tại công trường thi công Trụ sở làm việc mới của Sở Tài chính tỉnh Nghệ An, nằm trên trục đường Đại lộ Lê Nin, thành phố Vinh (Nghệ An), một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã xảy ra làm 11 công nhân thương vong.

Chú thích ảnh
Các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn lao động đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Theo đó, vào thời điểm trên, các công nhân đi thang cuốn (dùng vận chuyển vật liệu xây dựng và công nhân) của công trình để làm việc trên tầng cao tòa nhà. Khi thang cuốn đang lên đến tầng 8 thì bất ngờ bị đứt dây, rơi xuống đất. Vụ tai nạn xảy ra khiến 1 công nhân tử vong và 10 công nhân khác bị thương.

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, 3 công nhân bị thương nặng được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An; 8 công nhân khác được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An.

Theo các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An, 8 nạn nhân đang được cấp cứu điều trị tại Bệnh viện đều bị đa chấn thương ở vùng cổ, tay, chân và đã được băng bó, cầm máu, cố định bằng nẹp…  Ba nạn nhân tử vong tại huyện Yên Thành gồm: Đặng Minh Cung (sinh năm 1958), trú tại xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An); Trần Công Hiếu (sinh năm 1977) và Phạm Đức Phượng (sinh năm 1974), đều cùng trú tại xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).

Liên quan đến nguyên nhân vụ tai nạn, ông Lê Tiến Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thi công cơ giới và Xây lắp 171 (nhà thầu thi công) cho biết, chiếc thang cuốn gặp sự cố lắp đặt từ tháng 9/2020 và đã được kiểm định. Sức tải của thang hơn 1 tấn đủ sức chở 11 người. Nguyên nhân ban đầu xảy ra sự cố được xác định do trục của thang bị gãy khiến thang rơi tự do. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra để có kết luận cuối cùng.

40 người chết vì tai nạn giao thông trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch

Ngày 3/1, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch (từ 1/1 đến ngày 3/1), toàn quốc xảy ra 67 vụ tai nạn giao thông, làm chết 40 người, bị thương 37 người. So với ba ngày đầu năm 2020, giảm 9 vụ, giảm 16 người chết, giảm 6 người bị thương.

Riêng ngày 3/1, cả nước xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, làm 16 người chết và 12 người bị thương, tuy giảm về số người bị thương (giảm 1 người), nhưng tăng 4 vụ và tăng 3 người chết so với ngày liền kề trước đó là ngày 2/1 và cũng là ngày có số vụ, số người chết cao nhất trong kỳ nghỉ Tết dương lịch năm nay.  

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Tin nổi bật ngày 2/1
Tin nổi bật ngày 2/1

Ngày nghỉ thứ 2 Tết dương lịch đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông; Việt Nam phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từng được ghi nhận ở Anh; sẽ thử nghiệm vaccine COVID-19 thứ 2 trong tháng 1; bắt giữ đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam; nhiều vụ buôn lậu trái phép gần Tết ngày càng tăng... là những tin nổi bật nhất trong ngày 2/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN