Khai mạc trọng thể Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sáng 8/3, Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bàn về: Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan nhà nước; và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị đã khẩn trương chỉ đạo việc hoàn chỉnh và công bố các văn kiện của Đại hội; chuẩn bị ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chuẩn bị xây dựng các quy chế làm việc, cùng một số nội dung quan trọng khác. Bộ Chính trị cũng đã thông qua chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; tiến hành phân công một bước các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bước đầu bố trí và sắp xếp lại nhân sự một số cơ quan Trung ương; đồng thời tích cực chuẩn bị giới thiệu nhân sự thuộc diện Trung ương quản lý ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV...
Theo chương trình, Hội nghị làm việc đến ngày 9/3/2021.
Các bị cáo trong vụ án tại Đồng Tâm xin giảm nhẹ hình phạt
Ngày 8/3, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiến hành xét hỏi với 6 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Trong số 6 bị cáo kháng cáo, Lê Đình Công bị Tòa sơ thẩm xác định là chủ mưu cầm đầu, thường xuyên hô hào việc giết công an và phân công nhiệm vụ cho các bị cáo khác. Lê Đình Công trực tiếp ném bom xăng, lựu đạn về phía công an nên có vị trí, vai trò cao nhất. Bị cáo đã thành khẩn khai báo nhưng cần loại bỏ vĩnh viễn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Bị cáo Lê Đình Công bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt tử hình về tội "Giết người".
Tại Tòa phúc thẩm, Lê Đình Công xin thay đổi kháng cáo từ xin giảm nhẹ hình phạt sang kêu oan vì cho rằng cấp sơ thẩm quy kết bị cáo là chủ mưu, bàn bạc việc chống đối cảnh sát, giết người… là sai. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo này lại dừng kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Lê Đình mong muốn Tòa phúc thẩm xem xét tội danh và nêu quan điểm, bản thân chỉ có hành vi chống người thi hành công vụ.
Các bị cáo Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Quốc Tiến cùng cho rằng mức án cấp sơ thẩm tuyên cho mình là nặng, xin tòa cấp phúc thẩm căn cứ các tình tiết để giảm nhẹ thêm hình phạt.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Lê Đình Chức là người chỉ đạo Lê Đình Doanh đổ xăng ra chậu, cùng Doanh đẩy chậu xăng đang cháy xuống hố; trực tiếp đổ xăng thêm 3-5 lần xuống hố làm 3 cán bộ, chiến sỹ công an bị thiêu cháy. Tại phiên phúc thẩm, Lê Đình Chức nhiều lần cho rằng mình không thực hiện hành vi giết 3 chiến sỹ công an. Bị cáo cho rằng, mình có gọi Lê Đình Doanh mang chậu lên mái nhà, đổ xăng và châm lửa, nhưng bị cáo thực hiện các hành vi này mà không biết có các cán bộ, chiến sỹ công an ngã phía dưới hố.
Tuy nhiên tiếp đó, sau những câu hỏi của chủ tọa và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, bị cáo Lê Đình Chức cuối cùng thừa nhận các hành vi, nhưng cho rằng bản án sơ thẩm quy kết là quá nặng, nên muốn xin giảm hình phạt. Bên cạnh đó, bị cáo thừa nhận hành vi dùng tuýp sắt có gắn dao nhọn để ngăn cản lực lượng chức năng trèo sang mái nhà; thừa nhận mình có ném lựu đạn (nhưng không nổ), ném 3-4 chai bom xăng,... khi lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Bị cáo Lê Đình Doanh (cháu của Lê Đình Kình) thừa nhận là người mang chậu xăng lên theo chỉ đạo của Lê Đình Chức, là người châm lửa chậu xăng. Nhưng Lê Đình Chức là người đẩy chậu xăng xuống hố, nơi 3 chiến sỹ công an ngã phía dưới. Bị cáo Lê Đình Doanh đã nhận sai, rất ân hận nhưng xin được giảm án vì hành vi của mình không trực tiếp gây ra cái chết của các cán bộ, chiến sỹ công an.
Trước đó, các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức đã bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình; các bị cáo Lê Đình Doanh tù chung thân; Bùi Viết Hiểu 16 năm tù; Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù đều về tội “Giết người”.
Riêng bị cáo Bùi Thị Nối kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại. Bị cáo Nối đã nhận án sơ thẩm 6 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ".
Mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Ethanol Phú Thọ
Sáng 8/3, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ - viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ.
Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 10 ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân. Ba kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (được biệt phái về Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) và một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Việt Nam tiêm những mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên
Sáng 8/3, tại cả 3 điểm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hải Dương đã triển khai tiêm những mũi tiêm đầu tiên vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19.
Tại Hà Nội, điểm tiêm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; tại Thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh; tại Hải Dương là Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành.
Trong đợt 1, Bộ Y tế phân bổ vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 cho 13 địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và 21 bệnh viện.
Trước đó, ngày 6/3, phát biểu tại Hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tới hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do vaccine lần này có số lượng hạn chế nên 13 địa phương được phân bổ vaccine ngừa COVID-19 cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Có như vậy mới tạo được niềm tin khi triển khai tiêm chủng và đảm bảo được công bằng trong tiếp cận vaccine theo đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, của UNCEF và COVAC.
Các địa phương chưa được phân bổ cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, lên chương trình đào tạo, tập huấn. Khi có vaccine về trong tháng 3 này, Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương.
Thêm 12 ca mắc COVID-19 mới
Tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 8/3, Việt Nam ghi nhận 12 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 11 ca nhập cảnh được cách ly ngay, 1 ca tại Hải Dương đã được cách ly trước đó.
Như vậy, đến ngày 8/3, Việt Nam có tổng cộng 1.586 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 893 ca.
Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 45.219, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 506; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.266; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 30.446 4.
Về điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính với SARS-CoV-2: Lần 1 là 65; lần 2 là 57; lần 3 là 137. Số ca tử vong: 35 ca. Số ca điều trị khỏi: 1.920 ca.
Chùa Hương chính thức mở cửa đón khách từ 13/3
Chiều 8/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch COVID-19 của Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức cho biết, đến nay, công tác đảm bảo phòng, chống dịch tại khu vực chùa Hương đã được triển khai và giám sát chặt chẽ. Cụ thể, các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm di tích… đều được yêu cầu khai báo y tế và nước sát khuẩn, khẩu trang…
Tại khu di tích chùa Hương được chuẩn bị 2 phòng cách ly để sẵn sàng lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly các ca nghi ngờ. Dự kiến ngày 13/3 (tức ngày 1/2 Âm lịch), chùa Hương sẽ chính thức mở cửa trở lại để đón du khách.
Liên quan đến vấn đề mở cửa di tích, UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết, công tác chống dịch tại khu di tích lịch sử Đền Sóc đã được chuẩn bị đầy đủ. Tuy nhiên, do thời điểm ngày hội đầu Xuân đã qua nên số lượng du khách đến đây hiện không nhiều.
Cũng tại cuộc họp, quận Hoàn Kiếm cho biết, hiện đang thống nhất giải pháp an toàn nhất khi mở cửa trở lại đón du khách tham quan tại các điểm di tích trên địa bàn.
Trước diễn biến mới nhất của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, trong trường hợp Ban quản lý di tích chùa Hương đã sẵn sàng các điều kiện an toàn thì lãnh đạo địa phương có thể chủ động mở cửa sớm hơn để tránh việc du khách tập trung đông vào cuối tuần và đầu tháng, bảo đảm giãn cách.
Theo ông Dũng, thành phố đã giao địa phương chủ động mở cửa các di tích, cơ sở tôn giáo và cũng đề nghị địa phương tạo điều kiện để các di tích vừa mở cửa trở lại vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh, từ 9/3, các dịch vụ được phép hoạt động trở lại trừ vũ trường, quán bar, karaoke. Còn tại Bắc Ninh, các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo được mở cửa trở lại từ 8/3.