Tin nổi bật ngày 3/12

Ngày 3/12, Việt Nam ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều là ca nhập cảnh đã được cách ly; Tạm thời chưa thực hiện các chuyến bay thương mại đưa công dân về nước theo hình thức tự nguyện; TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu làm lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng… là những thông tin nổi bật được bạn đọc quan tâm.

Có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh COVID-19

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến 18 giờ ngày 3/12, Việt Nam ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới, đều là các ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay tại Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Cụ thể, bệnh nhân số 1359 (nam, 27 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) từ Đức nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5036 ngày 19/11, được cách ly ngay tại tỉnh Thái Bình.

Kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 2/12 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho thấy bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình.

Bệnh nhân 1360 (nam, 40 tuổi, quốc tịch Nepal, nhà đầu tư tư vấn thiết kế kỹ thuật), từ Hoa Kỳ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay EK392 ngày 1/12, được cách ly tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 2/12 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.

Bệnh nhân 1361 (nam, 48 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), từ Hoa Kỳ quá cảnh Hàn Quốc, sau đó nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN431 ngày 1/12, được cách ly tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân ngày 2/12 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam có 1.361ca mắc COVID-19, trong đó 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước (553 ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay). Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), trong ngày 3/12 đã có thêm 8 bệnh nhân (số 1132, 1184, 1235, 1236, 1243, 1244, 1246, 1251) được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số người được điều trị khỏi tại nước ta lên 1.209 trường hợp.

Trong số các bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế, 3 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, 5 người âm tính lần 2 và 10 người âm tính lần 3; không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng. Cả nước hiện có 16.582 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó, 164 người được cách ly tập trung tại bệnh viện; 15.566 người được cách ly tập trung tại cơ sở khác; 852 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái "bình thường mới", Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt  thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người  - Khai báo y tế để bảo đảm an toàn, phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và xã hội.

Tạm thời chưa thực hiện các chuyến bay thương mại đưa công dân về nước  

Chiều 3/12, tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời các câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế và thông báo một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết kế hoạch đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước của Bộ Ngoại giao sau khi ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng Việt Nam, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian qua đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong, ngoài nước để tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước một cách an toàn, phù hợp với năng lực cách ly trong nước. Cho đến nay có hơn 240 chuyến bay được tổ chức, đưa hơn 66.000 công dân, từ hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước”.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, trước những diễn biến mới nhất của dịch COVID-19 ở Việt Nam, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 1/12 vừa qua, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tạm thời chưa thực hiện các chuyến bay thương mại đưa công dân về nước theo hình thức tự nguyện, trả phí cách ly và thu xếp các chuyến bay đưa công dân về nước đối với những trường hợp thực sự khó khăn, khẩn thiết.

Lên án những hành vi trục lợi, tiêu cực trong các chuyến bay nhân đạo

Phản hồi về thông tin phản ánh các hiện tượng tiêu cực khi nhập cảnh vào Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Nhằm đảm bảo việc thực hiện mục tiêu kép, cùng với nỗ lực đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn ở nước ngoài về nước, Chính phủ Việt Nam cũng đã mở cửa cho các nhà ngoại giao, các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.  

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan liên quan của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng là nhà ngoại giao, chuyên gia, lao động tay nghề cao, người nước ngoài và thân nhân của họ sang Việt Nam như thu xếp các chuyến bay, tổ chức cách ly tại Việt Nam.

“Những hành vi trục lợi, tiêu cực làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay cần phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Lo ngại dịch lây lan trong cộng đồng, rất đông người dân đã tìm đến các điểm bán khẩu trang để mua. Ảnh: Mạnh Linh

Tập trung nguồn lực để Việt Nam sớm có vaccine phòng COVID-19

Đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam với hoạt động nghiên cứu, phân phối vaccine COVID-19 trên thế giới, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam luôn theo dõi, hoan nghênh kết quả nghiên cứu của các công ty, quốc gia về sản xuất vaccine chống COVID-19.

“Chúng tôi cũng mong muốn các vaccine sau khi được chấp nhận, sẽ được phổ biến một cách rộng rãi, mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, đặc biệt đối với các nước đang phát triển”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết thêm, trong thời gian vừa qua, bên cạnh các nỗ lực tập trung vào phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam cũng đã quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tập trung nguồn lực để nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước, đồng thời đẩy mạnh phối hợp các công ty sản xuất, các nhà cung cấp vaccine có uy tín trên thế giới để Việt Nam có thể có vaccine chống COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng vaccine, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang xây dựng các chính sách, quy định về việc hỗ trợ, tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine để ngay sau khi tiếp nhận có thể đưa vào sử dụng ngay.

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu làm lây lan dịch COVID-19 trong cộng đồng

UBND TP Hồ Chí Minh cho biết nếu các tổ chức, cá nhân làm lây lan dịch COVID-19 như trường hợp bệnh nhân 1342 vừa qua sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí bị khởi tố hình sự để tăng sức răn đe và giúp sớm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh siết chặt các điểm cách ly và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức để lây lan dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Hoàng Tuyết

Chiều 3/12, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, đã ký văn bản khẩn số 4616/UBND-VX gửi các Sở, ban ngành và UBND các quận, huyện trên địa bàn về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, UBND TP Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm làm lây lan dịch COVID-19, chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân 1342 vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố hình sự để điều tra.

UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh.

Theo đó, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện nghiêm công tác kiểm soát chặt chẽ nguồn lây từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để; tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, bình tĩnh ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra; thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, thần tốc truy vết mọi đối tượng F1, F2 của các ca lây nhiễm mới phát hiện với tinh thần cao nhất, đạt kết quả tối đa, không để lây lan.

Đối với các trường hợp nhập cảnh cần phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly do quân đội quản lý và cơ sở lưu trú du lịch đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt làm nơi cách ly tập trung; yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt các quy định về cách ly và quản lý y tế sau cách ly, xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định.

Đối với các đơn vị cách ly, các cơ quan quản lý các khu vực cách ly cần giám sát chặt chẽ việc tổ chức cách ly tại các khu vực được chỉ định như: Khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, không để những người không có trách nhiệm vào các khu cách ly và yêu cầu người được cách ly thực hiện đúng các quy định, thường xuyên đeo khẩu trang và không được tiếp xúc gần với người xung quanh...

Tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú; đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra các sai phạm làm dịch COVID-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.

Đối với các đơn vị, sở ngành, cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục dừng các hoạt động, sự kiện có tập trung đông người khi không cần thiết; trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định. Các sở, ban, ngành, đơn vị khi tổ chức các sự kiện, hoạt động có tiếp xúc với người đến từ nước ngoài, nhất là từ các nước có nguy cơ cao phải hỏi ý kiến của cơ quan y tế.

Đối với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nếu dịch bệnh tiếp tục lây nhiễm trong cộng đồng, Sở cần tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh để tiến hành thực hiện giãn cách xã hội đối với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý để không ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh. 

V.T/Báo Tin tức
Trên 2.300 người có liên quan đến 4 ca mắc COVID-19 mới, TP Hồ Chí Minh khẩn trương truy vết
Trên 2.300 người có liên quan đến 4 ca mắc COVID-19 mới, TP Hồ Chí Minh khẩn trương truy vết

Chiều 3/12, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết tuy chỉ có 4 ca mắc COVID-19 mới nhưng các ca bệnh này đều có lịch sử di chuyển rất phức tạp và số người tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần lên đến trên 2.300 trường hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN