Khắc phục các điểm yếu trong công tác phối hợp xây dựng pháp luật
Ngày 24/11 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của "thể chế" và cho biết, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm đến xây dựng thể chế, khâu đột phá mà Đảng ta đã xác định. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ luôn đưa vấn đề xây dựng thể chế pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, đưa lên đầu trong các kỳ họp Chính phủ thường kỳ, tổ chức nhiều chuyên đề xây dựng thể chế pháp luật.
Thủ tướng đánh giá, hệ thống pháp luật nước ta hiện nay cơ bản đầy đủ trên các lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, tính minh bạch, tính khả thi; thể chế hóa được chủ trương của Đảng về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp. Hệ thống pháp luật cũng bảo đảm được sự đồng bộ giữa các thể chế kinh tế và thể chế chính trị, sự vận hành thông suốt của bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong tổ chức thi hành. Bên cạnh đó, tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy theo nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ ngày càng được cải tiến, nâng cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, Quốc hội đã rất ủng hộ Chính phủ trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật vừa qua, giúp việc hoàn thiện thể chế đạt kết quả tích cực hơn. Là cơ quan đề xuất 90% các dự án luật, pháp lệnh hiện nay, Thủ tướng nêu rõ, nếu để xảy ra khuyết điểm thì Chính phủ phải nhận khuyết điểm đầu tiên trong hệ thống xây dựng pháp luật.
Bên cạnh những mặt tích cực, Thủ tướng nêu một số tồn tại như chất lượng một số dự án luật còn kém, nhiều dự án vòng đời tồn tại rất ngắn và phải sửa đổi. Công tác tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của luật pháp còn hạn chế, khiến phải sửa chữa nhiều. Còn tình trạng xin lùi tiến độ, xin rút các dự án luật. Công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống còn bất cập, chưa có cơ chế đồng bộ thực hiện hiệu quả. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn còn. Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý cần rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành hiện vừa chậm, vừa thiếu nội dung.
Chỉ đạo nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, công việc quan trọng, xuyên suốt là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó phải tập trung xây dựng thể chế pháp luật. Gần đây Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong đó Bộ Chính trị đã có kết luận số 83 ngày 29/7/2020 khẳng định tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; chỉ đạo cần xác định rõ lĩnh vực ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung vào thể chế hóa nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng…
Do đó, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng luật pháp phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam là nước hội nhập, các hiệp định thương mại liên quan quốc tế rất lớn. Pháp luật cần đảm bảo quyền lực của nhân nhân, nhà nước vì nhân dân trong xây dựng pháp luật, đảm bảo luật pháp kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đảm bảo tự do kinh doanh, giải phóng sức sản xuất cho nhân dân, công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm…
"Những tinh thần ấy phải được quán triệt, chống cho được lợi ích nhóm. 90% luật trình ra Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội do các bộ xây dựng, không thể “quyền anh, quyền tôi” - Đây là điều cực kỳ cần tránh và khắc phục được những tồn tại là rất quan trọng”, Thủ tướng nêu rõ.
Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh
Tính đến 18 giờ ngày 24/11, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19 đều là ca nhập cảnh; nâng tổng số mắc lên 1.326 ca.
Trong tổng số 1.316 ca mắc COVID-19, có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Như vậy, đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 15.772 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 201 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 14.628 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 943 người.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 24/11, Việt Nam có thêm 2 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN1222-BN1223. Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 là 12 ca, lần 2 là 6 ca, lần 3 là 12 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.153 ca.
Hoàn tất kết luận điều tra vụ cấp bằng giả tại Trường Đại học Đông Đô
Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra; chuyển hồ sơ vụ án đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố các bị can là cán bộ Trường Đại học Đông Đô về hành vi “Giả mạo trong công tác”.
Trong vụ án này, Trần Khắc Hùng (sinh năm 1972, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô) và đồng phạm đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cấp văn bằng 2 Tiếng Anh giả cho số lượng lớn các cá nhân có nhu cầu.
Tuy nhiên, vào thời điểm khởi tố, bị can Hùng bỏ trốn, hiện bị truy nã. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Trần Khắc Hùng, khi bắt được sẽ xử lý sau.
Đồng thời, cơ quan Công an tách phần hồ sơ vụ án liên quan đến dấu hiệu sai phạm của đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Trường Đại học Đông Đô để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo kết luận điều tra, trong quá trình hoạt động, Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai, trong đó có văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ tiếng Anh (Văn bằng 2 tiếng Anh).
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến năm 2017, Trường Đại học Đông Đô đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Kế hoạch Tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và từ năm 2017, Vụ Giáo dục Đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.
Các bị can bị truy tố về tội “Giả mạo trong công tác” gồm: Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng); Trần Kim Oanh (nguyên Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện đào tạo liên tục); Lê Ngọc Hà (Phó Hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang (Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên); Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng Phòng Tài chính, kế toán); cùng các cán bộ của trường gồm: Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương.
Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định đối tượng chủ mưu trong vụ án là Trần Khắc Hùng. Từ tháng 4/2017, Hùng đã chỉ đạo Trần Kim Oanh và Dương Văn Hòa ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo. Trong đó, 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho Trường Đại học Đông Đô tổng số tiền hơn 24,2 tỷ đồng. Trong quá trình điều tra, Trường Đại học Đông Đô cung cấp tài liệu chỉ xác định được 2.523 người đã nộp tổng số tiền hơn 18,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chung có thể bị mức án tù nào?
Theo kết luận mới nhất từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Đức Chung (53 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và đồng phạm đang bị đề nghị truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước theo Điều 337 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015.
Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay: Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước được quy định tại Điều 337 BLHS 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2018, được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017.
Ngày 21/11, Bộ Công an đã ra thông báo kết thúc điều tra vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” xảy ra tại Hà Nội; đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đề nghị truy tố 4 bị can về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, quy định tại điều 337 BLHS.
Các bị can gồm: Nguyễn Đức Chung (53 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Phạm Quang Dũng (37 tuổi, nguyên cán bộ công an), Nguyễn Hoàng Trung (37 tuổi, nguyên chuyên viên phòng thư ký biên tập) và Nguyễn Anh Ngọc (46 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Thư ký biên tập, Văn phòng UBND TP Hà Nội).
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay: Trường hợp VKSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố, sau đó, toà án xét xử, kết luận các bị cáo có tội và hành vi được xác định là phạm tội thì ông Chung và các đồng phạm phải đối mặt với mức hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Trường hợp hành vi được xác định là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" để phạm tội thì hình phạt sẽ từ 5 năm đến 10 năm tù. Trường hợp Tòa án tuyên bố hành vi của những người này là "phạm tội có tổ chức" thì ông Chung và các đồng phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 10 năm đến 15 năm tù.
Hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh, an toàn, đến những bí mật Nhà nước được quy định trong luật bảo vệ bí mật Nhà nước. Đồng thời, người nào tiết lộ, tiêu hủy, chiếm đoạt các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ điều tra vụ án hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.