Tin nổi bật ngày 17/2

Chiều 17/2, tỉnh Hải Dương có thêm 18 ca mắc mới COVID-19; đặt vàng online sôi động trước ngày vía Thần Tài; 203 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả; Hà Nội triệt phá đường dây mua bán thận… là những tin được quan tâm trong ngày 17/2.

Chiều 17/2, Hải Dương có thêm 18 ca mắc mới COVID-19

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân Công ty Best Pacific thuộc Khu công nghiệp Lương Điền - Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN

Tính đến 18 giờ ngày 17/2, Việt Nam ghi nhận thêm 18 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, đều là các ca tại Hải Dương. Cụ thể:

Các ca bệnh từ BN2312- BN2329 đều là F1, đã được cách ly tập trung trước đó. Trong đó, có 7 ca liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng; 2 ca liên quan ổ dịch phường Thanh Bình, Thành phố Hải Dương và 9 ca liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh. Hiện có 9 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh và 9 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 17/2, Việt Nam có tổng cộng 1.430 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 737 ca.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 145.925 người, trong đó: Cách ly tại bệnh viện 584 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 15.251 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 130.090 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị (Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19), ngày 17/2 có thêm 7 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm: BN1535, BN1848, BN1698, BN1855, BN1699, BN1555, BN1559.

Trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với virus SARS-CoV-2 là 104 ca.

Cũng trong ngày 17/2, Hà Nội phát hiện có trường hợp một người Hàn Quốc tử vong tại địa chỉ Golmark City (đường Hồ Tùng Mậu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội); ngay lập tức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Hiện kết quả xét nghiệm của bệnh nhân là âm tính. Các cơ quan chức năng đang điều tra tìm nguyên nhân tử vong.

Đặt vàng online sôi động trước ngày vía Thần Tài

Năm nay, ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch) sẽ rơi vào chủ nhật 21/2. Để phòng dịch COVID-19, nhiều công ty, cửa hàng vàng đang đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm trên mạng để khuyến khích khách hàng đặt mua trực tuyến.

Chú thích ảnh
Vàng ép vỉ 999,9 K thường được nhiều người mua vàng lựa chọn.

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức ngày 17/2, chủ một cửa hàng bán vàng online - chị M.Hà cho biết: Mấy ngày nay, các sản phẩm vàng như: Lì xì Thần Tài, charm vàng (loại hạt trang trí nhỏ với nhiều hình dáng chất liệu khác nhau để xâu hoặc móc trực tiếp vào vòng tay) trung bình có giá dưới 1 triệu đồng/sản phẩm bán chạy. Đặc biệt, giá sản phẩm lì xì Thần Tài vàng 24k dát mỏng dao động 500.000 – 600.000 đồng/sản phẩm được nhiều chị em ưa chuộng. Bên cạnh đó, charm hình con trâu, đĩnh vàng, mèo Thần Tài, đồng xu vàng 24k nhỏ xinh có giá từ 600.000 – 800.000 đồng/sản phẩm cũng được cửa hàng nhận được đơn hàng online tăng gấp 2 lần so với ngày thường.

“Năm nay dịch COVID-19 nên tâm lý nhiều người dân cũng muốn sở hữu sản phẩm vàng để mong sự may mắn, bình yên. Ngay đầu xuân Tân Sửu, lượng khách đặt mua vàng trang sức khá sớm trên mạng nên cửa hàng vàng cũng có cơ hội chuẩn bị lượng hàng tốt hơn, tránh bị thiếu hàng như trước”, chị M.Hà chia sẻ.

Trên con phố “vàng” Trần Nhân Tông, hệ thống kinh doanh vàng Bảo Tín Minh Châu đã sẵn sàng đón lượng khách đông tới mua hàng nhân ngày vía Thần Tài. Cũng như năm ngoái, để phòng dịch, Bảo Tín Minh Châu đã huy động lượng nhân viên tiếp đón khách, phát khẩu trang, đo thân nhiệt; đồng thời đảm bảo giãn cách để lượng khách mua hàng đảm bảo an toàn khi giao dịch. Hiện, sản phẩm mặt hàng nhẫn tròn trơn đang thu hút lượng khách khá đông đặt mua trên mạng bởi vừa túi tiền cũng như thuận tiện trong giao dịch bán - mua.

Hà Nội triệt phá đường dây mua bán thận

Ngày 17/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình cho biết: Cơ quan Công an đã tạm giữ hình sự đối tượng Trần Xuân Hiệp (sinh năm 1991; trú tại ngõ Thịnh Hào 3, phường Hàng Bột, quận Đống Đa) và Nguyễn Duy Phương (sinh năm 1988; trú tại Tôn Đức Thắng, phường Cát Linh, quận Đống Đa) để điều tra về hành vi mua bán bộ phận cơ thể người.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an quận Ba Đình đã phát hiện nhóm đối tượng có hành vi mua bán thận trên địa bàn nên đã xác lập chuyên án đấu tranh.

Đến ngày 2/2/2021, Công an quận Ba Đình đã bắt giữ 2 đối tượng là Trần Xuân Hiệp và Nguyễn Duy Phương. Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do từng đi bán thận nên các đối tượng biết thủ tục và quy trình mua bán thận. Hiệp và Phương đã lên mạng xã hội tìm người có nhu cầu bán thận với giá 230 triệu đồng một quả. Sau khi thỏa thuận, các đối tượng vào bệnh viện để tìm người mua thận.

Thời điểm gần nhất là ngày 1/2/2021, các đối tượng đã làm thủ tục mua bán thận cho 2 người. Hai đối tượng thu của mỗi người mua là 1,1 tỷ đồng. Trừ các chi phí đóng viện phí, phí xét nghiệm, nuôi ăn ở, tiền cho người bán…, với mỗi trường hợp, hai đối tượng thu lãi từ 200 đến 300 triệu đồng. Hiệp và Phương khai nhận đã thực hiện trót lọt nhiều vụ mua bán thận.

Tiếp tục khám xét nơi ở của các đối tượng, Cơ quan công an phát hiện thêm 4 người đang được nuôi và làm thủ tục đợi chờ người mua thận.

Công an quận Ba Đình đang tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định.

203 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an mới ra bản kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.

Chú thích ảnh
Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cấp phép cho Trường Đại học Đông Đô đào tạo văn bằng 2. Ảnh: dantri.com.vn

Theo kết luận điều tra bổ sung vụ Đại học Đông Đô, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã lập danh sách, cung cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (kèm theo hồ sơ vụ án) 203 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả.

Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 10 bị can về tội "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Đại học Đông Đô, gồm: Dương Văn Hòa (nguyên Hiệu trưởng); Trần Kim Oanh (nguyên Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục); Lê Ngọc Hà (Phó Hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang (Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo và quản lý sinh viên); Nguyễn Thị Huệ (nguyên Trưởng Phòng Tài chính, kế toán); cùng các cán bộ của trường gồm Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương.

Trong vụ án này, Trần Khắc Hùng (sinh năm 1972, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Đông Đô) và đồng phạm đã lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho số lượng lớn các cá nhân có nhu cầu.

Tuy nhiên, vào thời điểm khởi tố, bị can Hùng bỏ trốn, đang bị truy nã. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can đối với bị can Trần Khắc Hùng, khi bắt được sẽ xử lý sau.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tin nổi bật ngày 16/2
Tin nổi bật ngày 16/2

Những thông tin nổi bật thời sự ngày 16/2 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội như: Từ ngày 16/2, người từ tỉnh ngoài vào Quảng Ninh phải cách ly tập trung tự trả phí; Hải Dương ghi nhận thêm 38 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng; TP Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả công dân, hàng hóa từ Hải Dương; lái xe không chấp hành đo nồng độ cồn còn ‘live stream’ trên mạng sẽ bị phạt 40 triệu đồng; phạt hơn 17 tỷ đồng các vi phạm luật giao thông...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN