Tìm kế sách thoát lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc

"Tôi đề nghị nên có kế sách để thoát khỏi sự lệ thuộc nguy hiểm về kinh tế với nước láng giềng phương Bắc. Đây hẳn là công việc lâu dài, khó khăn nhưng cần được khởi động ngay trong năm 2014”, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đã phát biểu như vậy trong buổi thảo luận việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.


Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, trong lịch sử Việt Nam, biên niên sử về tranh chấp biến giới lãnh thổ do xâm phạm từ nước láng giềng phương Bắc luôn dày đặc các sự kiện và biến cố lịch sử. Không phải đến nay mới có sự kiện “giàn khoan tại Biển Đông” (giàn khoan Hải Dương Trung Quốc đặt trái phép tại vùng biển nước ta- PV). “Hơn một ngàn năm qua, tranh chấp xung đột do láng giềng gây sự đã luôn diễn ra. Và trong một trăm năm tới, thậm chí là một ngàn năm tới cũng không chắc gì sẽ hết”, ông Đáng nhận định.


Ông Đáng phân tích thêm, người Việt Nam có bài học lớn lao là đoàn kết toàn dân và xây dựng nền kinh tế giàu mạnh, tự chủ. Lịch sử Việt Nam trải qua các đời, kinh tế đất nước lúc mạnh yếu khác nhau nhưng chưa bao giờ lệ thuộc nước láng giềng phương Bắc về kinh tế. Bởi vì tổ tiên chúng ta hiểu rằng, khi buộc phải đối đầu với tranh chấp lãnh thổ thì sự phụ thuộc về kinh tế là điểm yếu chí tử của đất nước. “Đây là bài học lớn, có tính nguyên tắc nhưng dường như hiện nay chúng ta chưa thuộc lòng bài học đó”, ông Đáng cho biết.


Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, các nền kinh tế đương nhiên phụ thuộc vào nhau để hướng tới và cùng chia sẻ các chuỗi giá trị toàn cầu nhưng lệ thuộc kinh tế cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, các số liệu chính thức lại cho thấy, kinh tế nước ta đang lệ thuộc nặng nề vào nước láng giềng phương Bắc cả về nguyên liệu và vật tư phụ trợ cho sản xuất công nghiệp, cũng như về thị trường tiêu thụ nông sản. Lệ thuộc về kinh tế như vậy thì khó tránh khỏi các lệ thuộc khác và còn bất lợi trong các tranh chấp xung đột chủ quyền ở hiện tại và tương lai gần hay xa.


Ông Đáng đề nghị nên có kế sách để thoát khỏi sự lệ thuộc nguy hiểm về kinh tế. Đây hẳn là công việc lâu dài, khó khăn nhưng cần được khởi động ngay trong năm 2014.


Theo ông Đáng, trong phương hướng tái cơ cấu nền kinh tế đang tiến hành cần có các biện pháp thích hợp để thoát dần sự lệ thuộc. Láng giềng của ta đã vội vã rút chuyên gia và công nhân bỏ lại nhiều công trường xí nghiệp ngổn ngang. Họ cũng đã tuyên bố dừng các chương trình trao đổi giữa hai nước và chưa biết sắp tới sẽ còn gì nữa khi sự kiện giàn khoan chưa yên. Chúng ta phải nhanh chóng khắc phục có kết quả những hệ lụy đó, chuẩn bị cho cả tình huống xấu. Phát triển kinh tế xã hội năm 2014 phải có sự chuyển hướng, kể cả sự phân bổ ngân sách và đầu tư. Tuy nhiên, nỗ lực thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế không có nghĩa là bỏ qua quan hệ hợp tác kinh tế thật sự có lợi cho cả hai phía, mà ngược lại phải tăng cường hợp tác làm ăn trên các lĩnh vực có nhiều tiềm năng.


Ông Đáng cho rằng, việc quan trọng nhất bây giờ là phải gấp rút xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ, “một lĩnh vực mà suốt mấy mươi năm qua không hiểu vì sao ta đã bỏ qua”. Trong phương hướng tái cơ cấu nông nghiệp, cần nhanh chóng tính đến việc điều chỉnh thị trường tiêu thụ nông sản, vừa giúp người nông dân đỡ thua lỗ, vừa thoát dần khỏi sụ lệ thuộc về thị trường.


Đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu quan điểm: Trong kế hoạch kinh tế xã hội năm 2014 chưa xuất hiện các vụ xung đột trên biển nên đề nghị Chính phủ có các kịch bản ứng phó để bảm bảo thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội đã đề ra".



Huyền Tím

Kinh tế-xã hội “nóng” từ vấn đề biển Đông
Kinh tế-xã hội “nóng” từ vấn đề biển Đông

Không phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, tăng cường tái cơ cấu kinh tế để chủ động hội nhập là những vấn đề “nóng” nhất trong nghị trường Quốc hội sáng nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN