Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng 8 tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, chi tiết, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và đạt được một số kết quả bước đầu. Phó Thủ tướng mong muốn trong thời gian tới, các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân trong năm 2022 đạt 100%.
Theo Phó Thủ tướng, công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định hiện nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, cần có cách làm trách nhiệm hơn và tổ chức sáng tạo, linh hoạt hơn để khắc phục. Về việc giá nguyên vật liệu tăng đột biến do nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tăng cao gây khó khăn cho các nhà thầu, thì tùy theo từng dự án cụ thể, địa phương và các bộ, ngành cùng nhau tháo gỡ.
Về vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ hoặc các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA liên quan đến các nhà tài trợ, các bộ, ngành Trung ương, đến việc phê duyệt, điều chỉnh…, theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, một số địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt như thành lập các tổ công tác để kiểm tra đôn đốc về công tác triển khai kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện, sát sao công việc thì ở đâu đó chưa được thực hiện trách nhiệm cao, trong phân công còn chưa rõ ràng, chưa cụ thể nội dung, tiến độ thực hiện, nhất là những việc khó trong việc tổ chức chỉ đạo điều hành và thực hiện triển khai vốn đầu tư.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc điều chỉnh, xử lý từng dự án cụ thể. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền các địa phương, đặc biệt là cấp quyết định đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư và chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải tổ chức nắm bắt tình hình sát sao hơn, có kế hoạch cụ thể, tăng cường kiểm tra đôn đốc từng dự án và có giải pháp tháo gỡ mới giải quyết được. Những vấn đề liên quan tới Trung ương, địa phương phải bám sát để cùng với các bộ, ngành giải quyết. Đối với nhà thầu, các địa phương cần tháo gỡ khó khăn về vốn, thanh toán kịp thời cho nhà thầu. Riêng đối với những dự án có hợp đồng trọn gói thì tìm cách tháo gỡ… Đối với các dự án gặp khó khăn, các địa phương cũng cần linh hoạt, đề xuất sớm để điều chuyển vốn sang các dự án khác có khả năng giải ngân nằm trong danh mục của tỉnh, thành…
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay 8 địa phương đã bố trí 100% vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương, đối với vốn ODA đã có 6 địa phương bố trí vốn, còn 2 địa phương chưa giao kế hoạch vốn là thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Đối với ngân sách địa phương còn 2 địa phương chưa giao chi tiết kế hoạch vốn gồm thành phố Cần Thơ và tỉnh Bạc Liêu.
Tính đến giữa tháng 5/2022, các tỉnh, thành phố trên đã giải ngân nguồn vốn Nhà nước đạt 14,2%, tuy có tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 2,06% nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (15,08%). Trong đó, giải ngân thấp nhất là tỉnh An Giang được 8,7% và cao nhất là tỉnh Sóc Trăng 22,6%.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Vụ trưởng Vụ Lao động, Văn hóa và Xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công là do giá vật liệu tăng cao, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng. Một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA thì thủ tục thực hiện thanh toán các dự án sử dụng vốn cần từ 1-2 tháng. Ngoài ra theo quy định, chuyển đổi trên 10 ha phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng, thủ tục chuyển đổi mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố cũng đã báo cáo về tình hình triển khai vốn đầu tư công tại địa phương, những thuận lợi cũng như khó khăn vướng mắc và đề xuất các giải pháp; trong đó giá vật tư, vật liệu như sắt thép, xi măng, giá cát… tăng cao, gây khó khăn cho các nhà thầu. Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn gặp vướng mắc. Một số dự án gặp khó trong thủ tục đầu tư như phê duyệt, thẩm định, điều chỉnh, đấu thầu…
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, tính đến ngày 12/5, thành phố đã giải ngân đạt 9,9% kế hoạch vốn được giao, vốn ngân sách địa phương đạt 12%. Thành phố Cần Thơ chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan khẩn trương thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng về giải ngân vốn đầu tư công. Thành phố đã thành lập tổ theo dõi giải ngân và 3 đoàn công tác do các Phó Chủ tịch UBND phụ trách theo từng nhóm, từng ngành nhằm tập trung quyết liệt để giải ngân. Đồng thời, kiên quyết xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, các cơ quan có các dự án giải ngân chậm.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, khó khăn lớn nhất của địa phương hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm. Mặt khác, công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế thi công, dự toán một số dự án cũng chậm nên đến nay vẫn chưa khởi công… Riêng đối với Dự án phát triển đô thị và tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vĩnh Long đến nay vẫn còn đang được thẩm định, chưa có quyết định đầu tư nên chưa giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2022…
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương cũng đã trao đổi, giải đáp và bước đầu tháo gỡ một phần khó khăn cho các địa phương.
Trước đó, vào sáng 16/5, Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng đã đi kiểm tra thực tế một số dự án trọng điểm tại Cần Thơ như: Dự án Đường tỉnh 918, Dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ…