Tiết kiệm trên 6.300 tỷ đồng/năm từ cắt giảm các điều kiện kinh doanh

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương chiều 28/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, trong năm 2020, cả nước đã cắt giảm thêm 239 điều kiện kinh doanh.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày Báo cáo kết quả tóm tắt cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của tổ công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020 thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tính  chung giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh  mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến  kiểm tra chuyên ngành; 1.501 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành chồng chéo đã được xử lý.

Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng giao cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu,  được khẩn trương xây dựng. Việc cắt giảm này đã giúp tiết kiệm cho xã hội, người dân, doanh nghiệp khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ  đồng/năm.

Với những nỗ lực và kết quả đạt được nêu trên của các bộ, cơ quan, địa  phương, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong  các xếp hạng quốc tế.

Theo xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016- 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế; xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI, năng lực cạnh tranh của Việt  Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018-2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 quốc gia, nền kinh tế,  giữ vị trí số 1 trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương  trình, chiến lược, đề án, kế hoạch, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc xây dựng  Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, liên hợp quốc xếp hạng Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ tăng 2 bậc so với năm 2018, duy trì việc tăng  hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86. Việt Nam được xếp vào  nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao và cao hơn chỉ số trung  bình thế giới.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã chuyển  biến rõ nét, ngày càng thực chất. Thời điểm đầu nhiệm kỳ (đầu năm 2016) khi Tổ công tác chưa thành lập, nhiệm vụ quá hạn chiếm tới 25,2%. Đến nay, số nhiệm vụ quá hạn chỉ còn 1,8%, giảm 23,4% so với năm 2016.

Việc hoàn thiện thể chế tiếp tục được cải cách, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phương pháp xây dựng văn bản quy định chi tiết theo hướng tích hợp, cắt giảm  tối đa số lượng đầu văn bản quy định chi tiết theo đúng chỉ đạo của Chính phủ để đơn giản hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tránh phát sinh thêm thủ tục  hành chính, giảm chồng chéo, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá  trình tra cứu và thực thi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan và địa phương tập trung, triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị định 09/2019/NĐ-CP, số 45/2020/NĐ-CP, số  09/NĐ-CP; các Nghị quyết số 68/NQ-CP, số 02/NQ-CP; quyết định số  28/2018/QĐ-TTg về cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh  doanh thuận lợi gắn với xây dựng Chính phủ điện tử.

Bên cạnh đó, Chính phủ có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản;  quyết tâm không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết, các đề án sang năm sau; bảo đảm lồng ghép, cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo  đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Bộ Tư pháp thực hiện việc theo dõi, đôn đốc, kiểm  tra, giám sát các bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi  tiết, nhất là trong việc lồng ghép, cắt giảm tối đa văn bản quy định chi tiết Luật,  Pháp lệnh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Cùng với đó, giao Tổ công tác tiếp tục tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt là chuyên đề về hoàn  thiện thể chế; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tình hình xây dựng  Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính.

Việc thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, số 68/NĐ-CP và các Nghị quyết chuyên đề quan trọng, có phạm vi  tác động lớn, liên quan đến chủ trương cải cách và mục tiêu phát triển kinh tế - xã  hội, an sinh xã hội, đời sống người dân.

Thúy Hiền (TTXVN)
Hội nghị Chính phủ với địa phương: Chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo hơn
Hội nghị Chính phủ với địa phương: Chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo hơn

Sáng 28/12, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN