1. Ngồi sau xe máy của một anh bạn, đến ngã tư đúng lúc đèn đỏ bật, nhìn đồng hồ đếm ngược báo còn 29 giây, anh bạn tôi tắt máy xe. Đến lúc đèn xanh, anh mới nhẹ nhàng khởi động lại rồi tiếp tục hành trình.
Sau khi qua ngã tư, anh nói với tôi, chẳng phải bây giờ xăng tăng giá mà từ mấy năm nay anh đã tạo cho mình thói quen là mỗi khi dừng đèn đỏ, nếu nhìn đồng hồ đếm ngược còn trên 10 giây là bao giờ anh cũng tắt máy. Anh giải thích, đối với xe máy, khi khởi động không tốn nhiều xăng nên khi dừng xe lâu nên tắt máy, vừa tiết kiệm, vừa giảm ô nhiễm môi trường.
2. Đó là người dân. Ở phương diện Nhà nước, Chính phủ cũng thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách xuống dưới 5% GDP… Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, ngày 2/3, UBND TP Hồ Chí Minh có chỉ thị yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước… UBND TP Cần Thơ cũng chỉ đạo tạm dừng trang bị mới ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng; không bố trí các khoản chi chưa thật sự cấp bách; không bổ sung ngân sách ngoài dự toán…
3. Việc tăng giá một số mặt hàng, trong đó có điện và xăng dầu vừa qua có thể nói là không thể không làm. Thứ nhất là do giá thế giới tăng; thứ hai là để thực hiện mục tiêu từng bước xóa bao cấp qua giá. Theo tính toán của các cơ quan chức năng, tính đến hết năm 2010, các chi phí chưa tính đủ vào giá điện còn treo (lỗ) khoảng gần 28.000 tỷ đồng.
Còn đối với xăng dầu, ngay cả khi đã tăng giá vừa qua thì giá trong nước vẫn thấp hơn các nước láng giềng từ 3.200 đến 5.000 đồng/lít. Như vậy nếu chúng ta vẫn giữ giá cũ thì không những làm méo mó nền kinh tế mà còn làm gia tăng nạn buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài; và như thế thì hóa ra ta bao cấp cho cả… nước ngoài. Như vậy, trước những diễn biến bất lợi về kinh tế nói chung và giá cả nói riêng trên thế giới, việc tăng giá một số mặt hàng là bắt buộc. Trong tình thế đó, thái độ tích cực là phải thích ứng với sự tăng giá, trong đó có việc thực hành tiết kiệm.
4. Chẳng cứ ở ta, ngay người dân châu Âu cũng đã phải thắt lưng buộc bụng để thích ứng với suy thoái kinh tế. Theo một khảo sát vừa được công bố, 64% người dân châu Âu nói chung và 73% người Pháp cho biết họ thay đổi hành vi tiêu dùng, kiểm soát chặt những chi tiêu không cần thiết, để dành tiết kiệm nhiều hơn.
5. Có thể nói, tiết kiệm trong hoàn cảnh hiện nay vừa là cách ứng xử khôn ngoan, vừa là bắt buộc đối với cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Ta vẫn thường nói: Tiết kiệm là quốc sách. Trong hoàn cảnh hiện nay, tiết kiệm còn là ích nước lợi nhà và trên phương diện nào đó, có thể nói Tiết kiệm là yêu nước.
Tuệ Duyên