Tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản 

Với vai trò điều phối viên quan hệ ASEAN – Nhật Bản giai đoạn 2018 – 2021, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức Hội nghị chuyên đề ASEAN – Nhật Bản hợp tác vì sự thịnh vượng với 4 phiên thảo luận chuyên đề song song.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia, học giả doanh nghiệp của ASEAN và Nhật Bản đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản lên tầm cao mới.

Đẩy mạnh những ưu tiên, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển

Phát biểu dẫn đề tại phiên thảo luận về Quan hệ Đối tác ASEAN - Nhật Bản, điểm lại chặng đường phát triển trong hơn 45 năm qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng khẳng định, ASEAN và Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu hợp tác, trở thành những đối tác không thể thiếu của nhau, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên. Để tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng, hai bên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, để tranh thủ những cơ hội mở ra và vượt qua những thách thức phức tạp của tình hình. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đề xuất 4 định hướng ưu tiên gồm: tăng cường lòng tin, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau, đề cao các nguyên tắc chung trong quan hệ đối tác vì hòa bình và ổn định; hợp tác kinh doanh cùng có lợi trong quan hệ đối tác vì thịnh vượng; chia sẻ trách nhiệm và phối hợp nỗ lực nhằm bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân; duy trì sự chân thành và mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim”.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN phát biểu tại hội thảo Quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Trưởng SOM ASEAN Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Takeo Mori chia sẻ quan điểm của Nhật Bản về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, mở rộng liên kết giữa các vùng biển đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Nhật Bản sẽ duy trì và thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, thúc đẩy tự do thương mại, và tự do hàng hải, thúc đẩy kết nối thông qua các dự án cơ sở hạ tầng có chất lượng nhằm thúc đẩy kinh tế, cũng như nâng cao năng lực tham gia hợp tác chống lại các thách thức đang nổi lên như tội phạm xuyên quốc gia, chống khủng bố, cướp  biển...

Trưởng SOM ASEAN Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Takeo Mori nhấn mạnh, Nhật Bản đánh giá cao việc ASEAN xây dựng một Tầm nhìn về hợp tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho rằng quan điểm hai bên chia sẻ nhiều nguyên tắc cơ bản chung, bao gồm việc Nhật Bản tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Trưởng SOM ASEAN Nhật Bản, Thứ trưởng Ngoại giao Takeo Mori mong muốn gắn kết giữa Quan điểm của Nhật Bản về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở với Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ASEAN thông qua việc phối hợp đề xuất triển khai các hoạt động hợp tác thiết thực.

Phiên thảo luận nhất trí cao với các đề xuất, ASEAN - Nhật Bản cần tiếp tục thúc đẩy định hướng chiến lược trong hợp tác, đẩy mạnh các ưu tiên cao hiện nay như an ninh biển, thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, đẩy mạnh kinh tế số, phát triển thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng chất lượng, thúc đẩy sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực, gia tăng kết nối, nhất là bảo đảm kết nối đồng bộ, phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế trong xây dựng các dự án kết nối lớn trong ASEAN và khu vực Mê Công, đẩy mạnh hội nhập kinh tế, tham gia chuỗi giá trị khu vực, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển, đóng góp thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản lên tầm cao mới.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực cạnh tranh

Phiên nông nghiệp công nghệ cao nhằm thảo luận về tăng cường hợp tác kinh doanh, định hướng thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào ASEAN và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Mở đầu phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, việc hợp tác với Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN, phát huy sức mạnh nội lực, xây dựng một nền nông nghiệp ASEAN phát triển ổn định chất lượng cao là một ưu tiên hàng đầu để phát triển nông nghiệp Việt Nam.

Trong thời gian tới, để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh hội nhập ngày càng sâu rộng, hiệu quả.

Chú thích ảnh
Ngài Norikazu Suzuki, Thứ trưởng, Nghị sĩ, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản phát biểu. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Nghị sỹ, Thứ trưởng, Quốc Vụ Khanh Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norikazu Suzuki đã tập trung đến sự hợp tác giữa Nhật Bản và các nước ASEAN trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Nhật Bản với máy móc, công nghệ hiện đại sẽ là một lợi thế khi hợp tác với các nước ASEAN. Trong hợp tác với các nước ASEAN, Nhật Bản sẽ tích cực cử các chuyên gia Nhật đến các nước ASEAN để chia sẻ kinh nghiệm về nông nghiệp cũng như sẽ tiếp nhận các thực tập sinh kỹ thuật từ các nước ASEAN.

Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn nhận định, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, chiếm khoảng 33% cơ cấu kinh tế, chiếm hơn 20% kim ngạch thương mại của các nước. Nông nghiệp là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao có khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập tốt vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu là một trong những ưu tiên chính hiện nay của của các nước ASEAN.

Bà Bacudo, cố vấn cao cấp về nông nghiệp thông minh - khí hậu ASEAN chia sẻ quan điểm về việc các nước ASEAN hiện nay, làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu tài nguyên hạn chế về việc các nước ASEAN tiếp tục tận dụng các cơ chế hợp tác trong nông nghiệp, tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo về nông nghiệp, đặc biệt là biến đổi khí hậu để tạo các dữ liệu, phân tích cho người nông dân sử dụng, nghiên cứu. Triển khai chính sách bảo hiểm nông nghiệp và cơ chế chia sẻ thông tin nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó thúc đẩy kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản.

Ông Kinoshita, Vụ trưởng, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản thông tin về các quy định, quy trình nhập khẩu thực phẩm từ các nước của Nhật Bản nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa nông sản, tránh các loại hóa chất, sâu bệnh. Ông cũng giới thiệu quy chế, yêu cầu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm của Nhật Bản đối với các doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản. Các thông tin này được đăng tải trên trang điện tử của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản và bằng các ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt.

Quản lý và phát triển đô thị, tiếp cận theo xu hướng mới

Phiên thảo luận “Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp” nhằm mang đến góc nhìn cụ thể về cơ hội và thách thức cho khối nhà nước và tư nhân trong định hình thành phố thông minh, và những ứng dụng khả thi từ kinh nghiệm của Nhật Bản để xây dựng chương trình thành phố thông minh tại ASEAN và các triển khai thực tế.

Phát biểu dẫn đề tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, phát triển đô thị là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia và toàn vùng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này. Tính đến tháng 3/2019, Việt Nam đã có 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38,6%. Trung bình mỗi năm có hơn 1 triệu người dân gia nhập dân cư đô thị. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng dẫn tới những hệ quả như như quản lý chất lượng nước, không khí, quản lý giao thông, bất bình đẳng thu nhập và khoảng cách thành thị - nông thôn, an ninh - an toàn công dân, và chất lượng cuộc sống nói chung.

Đại diện cho thành phố thành viên mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến góc nhìn cụ thể hơn về những thách thức và cơ hội về giải pháp thông minh trong quá trình triển khai các dự án thành phố thông minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Yasukata Fukahori, Vụ trưởng Hợp tác khu vực, Tổng vụ châu Á và châu Đại Dương, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và ông Seiya Ishikawa, Giám đốc Chiến lược quốc tế, Cơ quan Phục hưng đô thị Nhật Bản chia sẻ về kinh nghiệm của Nhật Bản trong tái thiết các đô thị và tạo dựng mạng lưới kết nối các thành phố thông minh. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa những tiện ích, dịch vụ, đã và đang làm thay đổi các mối quan hệ giữa người dân và chính quyền cũng như phương thức vận hành trong đô thị. Do vậy, việc quản lý và phát triển đô thị cũng phải tiếp cận theo xu hướng mới…

Già hóa dân số và cơ hội kinh doanh

Chú thích ảnh
Các đại biểu thảo luận về “Vấn đề già hóa dân số và cơ hội kinh doanh”. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Phát biểu khai mạc tại phiên thảo luận về “Vấn đề già hóa dân số và cơ hội kinh doanh”, Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN - Nhật Bản Masataka Fujita cho biết, tới 2050, tỉ lệ người già ở ASEAN sẽ đạt 21%, gấp đôi con số hiện nay. Tốc độ này của Việt Nam thậm chí còn nhanh hơn các nước trong khu vực. Đến 2050, tỉ lệ người già ở Việt Nam sẽ là 28%.

Ông Shozo Sakata, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Bangkok, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản nhận định, xu thế này sẽ tạo áp lực lớn cho lực lượng lao động, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, đặc biệt là tình trạng nghèo đói của nhóm người trên 65 tuổi. Dưới góc độ chính sách, quá trình già hóa dân số đòi hỏi sự cải tổ lớn trong cấu trúc kinh tế theo hướng tăng cường năng suất lao động, cải thiện phúc lợi và an sinh xã hội, thiết lập các chính sách hỗ trợ công. 

Đồng quan điểm này, ông Sakarn Bunnag, Viện trưởng Viện Lão khoa, Vụ Dịch vụ Y tế, Bộ Y tế Thái Lan nhấn mạnh, việc thành lập các cơ sở tái đào tạo và hỗ trợ người cao tuổi như: Trung tâm ASEAN về Già hóa chủ động và sáng tạo (dự kiến tháng 11/2019) sẽ giúp phổ biến kiến thức, hỗ trợ triển khai chính sách công về già hóa tích cực, sáng tạo tại các nước ASEAN. Trung tâm này hỗ trợ các nước ASEAN trong việc quy tụ tri thức, xây dựng chính sách, nâng cao năng lực và theo dõi những tiến bộ trong thúc đẩy già hóa tích cực của ASEAN.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Viết Hương cho biết, tình trạng già hóa dân số tại các nước như Nhật Bản đang là cơ hội lớn cho xuất khẩu lao động Việt Nam (hiện có 160.000 thực tập sinh Việt Nam tại Nhật). Sau khi trở về nước, đây cũng sẽ là lực lượng nòng cốt tham gia vào nhiều lĩnh vực dịch vụ phục vụ người già đang hình thành và phát triển tại Việt Nam...

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Triển lãm ảnh '45 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản'
Triển lãm ảnh '45 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản'

Trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề “Hợp tác ASEAN-Nhật Bản vì sự thịnh vượng” tổ chức ngày 4/6, tại Hà Nội, Triển lãm ảnh “45 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản” đã khai mạc nhằm giới thiệu dấu mốc phát triển trong quan hệ đối tác giữa từng thành viên ASEAN với Nhật Bản và giữa ASEAN với Nhật Bản thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN