Trong số 27 ý kiến của người có uy tín tại Hội nghị, nhiều kiến nghị quan tâm tới những vướng mắc liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Ông Cư Seo Sùng, người có uy tín huyện Si Ma Cai kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất sinh kế cho nhóm đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025 ở các xã đã hoàn thành Chương trình nông thôn mới.
Ông Ly Hứa Giờ, người có uy tín huyện Bát Xát mong muốn Chính phủ có cơ chế chính sách mở rộng đối tượng đủ điều kiện vay vốn được hỗ trợ từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.
Cử tri thành phố Lào Cai Vừ A Thắng kiến nghị Chính phủ quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng giải phóng mặt bằng không có đất canh tác được đào tạo chuyển đổi nghề và vay vốn ưu đãi của Nhà nước để khởi nghiệp.
Về chính sách đối với hộ nghèo, ông Hoàng Sín Hòa - người có uy tín huyện Mường Khương cho rằng, hiện tại chính sách vẫn mang tính bao cấp với cơ chế xin - cho, tạo ra sự ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Việc cho hộ nghèo vay vốn còn dàn trải, bình quân chung chung, hiệu quả rất hạn chế. Một số hộ chỉ vay để đáo nợ, chứ không mở rộng được sản xuất, kinh doanh. Ông Hoàng Sín Hoà kiến nghị tỉnh Lào Cai cần căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến nghèo đói của các hộ để có chính sách hỗ trợ đúng và trúng từng đối tượng, góp phần giảm nghèo và thoát nghèo bền vững hơn.
Các cử tri đề nghị Ủy ban Dân tộc xem xét nghiên cứu, hoàn thiện chế độ, chính sách cho người có uy tín nhằm thực hiện có hiệu quả vai trò, trách nhiệm đối với cộng đồng. Bà Đặng Thị Phúc, người có uy tín huyện Bảo Thắng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí hoạt động và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người có uy tín (đối với những người chưa được hỗ trợ hiện đang cư trú tại các xã thuộc khu vực I) để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của người có uy tín vùng đồng dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung đã giải đáp một số kiến nghị, thắc mắc của cử tri thuộc thẩm quyền; giải trình một số vấn đề liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách với người có uy tín...
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã làm rõ hơn một số nội dung, giải đáp một số nhóm ý kiến, kiến nghị liên quan đến thực hiện chính sách giáo dục; khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; chế độ chính sách đối với chức danh không chuyên trách ở xã, thôn; chính sách sử dụng, bố trí cán bộ dân tộc thiểu số; phát triển du lịch...
Những ý kiến thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai sẽ tổng hợp và trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Trong những năm qua, người có uy tín tại Lào Cai có vai trò hết sức quan trọng tại cơ sở, đặc biệt là trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở…