Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Winston Peters về các nội dung liên quan đến chuyến thăm và quan hệ hợp tác Việt Nam - New Zealand.
Xin ông cho biết mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này và những cảm nhận về đất nước, con người Việt Nam?
Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này của tôi là góp phần củng cố, nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước một cách nhanh chóng và mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời bàn thảo các vấn đề quan trọng đối với khu vực ASEAN và các khu vực lân cận. Bởi New Zealand là một phần của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng giống như Việt Nam.
Một mục đích quan trọng nữa của chuyến thăm là mang đến những màu sắc tươi mới hơn cho mối quan hệ đã có tuổi đời hàng thập kỷ giữa Việt Nam và New Zealand. Trong các cuộc gặp lần này, một tín hiệu rõ ràng được gửi đi là chúng ta mong muốn được gặp gỡ thường xuyên hơn, để thảo luận những vấn đề mà hai bên có thể đạt được nhiều tiến bộ hơn, với tốc độ nhanh hơn. Tất cả vì lợi ích chung của hai nước và thể hiện rằng, chúng tôi luôn đánh giá cao đất nước Việt Nam của các bạn.
Ông đánh giá thế nào về quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp, xuất - nhập khẩu nông sản?
Trong số gần 200 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với New Zealand. Điều này thể hiện chúng ta đã chia sẻ và hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, từ chính trị - quốc phòng, các mối quan tâm chung... Hai nước chúng ta đã có quan hệ hợp tác rộng khắp trên nhiều lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, thương mại, giáo dục và du lịch. Chúng tôi rất mong được tiếp tục làm sâu sắc thêm những hợp tác hiện có và phát triển những lĩnh vực mới như quản lý đại dương, kinh tế xanh và kinh tế số.
Trong số các lĩnh vực hợp tác đó, rất thú vị là hai nước có rất nhiều điểm chung và hợp tác rất hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Ví dụ như New Zealand đã hợp tác nghiên cứu một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam nhằm cải thiện khả năng sinh tồn và tăng tính chống chịu bền vững của những sản phẩm đó. Hay lĩnh vực an toàn sinh học mà chúng tôi đang nghiên cứu và thúc đẩy chắc hẳn sẽ giúp ích rất nhiều cho các quốc gia ở châu Á như Việt Nam.
Năm 2025 đánh dấu kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, hai nước sẽ có những hoạt động nào kỷ niệm cột mốc quan trọng này trong năm tới?
Vâng, sẽ có rất nhiều hoạt động, nổi bật trong số đó sẽ là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. Tất nhiên, sẽ có rất nhiều công việc đang được xúc tiến và chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuỗi các sự kiện quan trọng này. Vì thế, chuyến thăm lần này cũng để chuẩn bị hướng tới dịp kỷ niệm đặc biệt khi hai nước đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới (1975 - 2025).
Hiện nay, hai nước đã có rất nhiều cam kết và thỏa thuận trong hàng loạt vấn đề, trong đó Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng đối với quan hệ song phương giữa hai nước cũng như cầu nối giữa New Zealand và ASEAN. Các bạn biết đấy, ASEAN là khu vực mà New Zealand dành ưu tiên cao trong triển khai chính sách đối ngoại mới, mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất, toàn diện và gắn kết hơn nữa.
Trọng tâm hoạt động nữa trong năm tới là tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thực thi hiệu quả cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tăng cường các biện pháp nhằm sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 3 tỷ USD. Đó là những kết nối tiềm năng mà New Zealand muốn mở rộng.
Tôi cho rằng, trong thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, bất định khó lường hiện nay, những gì chúng ta cần làm ngay lập tức là cam kết và hành động.
Chính phủ New Zealand đã công bố chính sách đối ngoại mới, xin ông cho biết đánh giá về vị thế của Việt Nam trong khu vực Nam Á - Đông Nam Á và những ưu tiên của New Zealand trong quan hệ với Việt Nam thời gian tới?
Chúng tôi luôn đánh giá cao Việt Nam, dù hai nước có hệ thống chính trị khác nhau nhưng chúng ta đều tin vào pháp quyền, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam cũng thể hiện vai trò dẫn dắt trong nhiều vấn đề theo những cách thức rất đặc trưng của các bạn.
New Zealand cũng đánh giá cao đường lối đối ngoại độc lập của Việt Nam. Chúng tôi vô cùng trân trọng điều đó, vì New Zealand cũng duy trì chính sách đối ngoại độc lập như vậy. Hai nước chúng ta có thể có những điểm khác biệt, nhưng Việt Nam và New Zealand có đồng quan điểm và mối quan tâm cũng như lợi ích chung trong nhiều vấn đề; từ đó phối hợp, đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung nhằm duy trì ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và toàn cầu.
Trân trọng cảm ơn ông!