Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng không ngừng phát triển. Ở cấp độ địa phương, Cần Thơ mong muốn trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực hơn nữa, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa thành phố Cần Thơ với New Zealand trên nền tảng những thế mạnh bản địa của hai bên. Cụ thể, hai bên có thể mở rộng hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh bền vững; đào tạo, tập huấn cán bộ chuyên ngành nông nghiệp; sản xuất nông nghiệp hữu cơ…
New Zealand là một trong các quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến và môi trường giáo dục hàng đầu thế giới. Chính phủ New Zealand dành nhiều chương trình học bổng cho sinh viên, học sinh Việt Nam. Cần Thơ mong muốn sẽ có thêm các suất học bổng dành cho công chức, viên chức. Song song đó là sự kết nối giữa các cơ sở giáo dục của New Zealand và Cần Thơ. Đồng thời, mong muốn New Zealand hợp tác về năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bất động sản…
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác, nhất là trên các lĩnh vực: nông nghiệp, biến đổi khí hậu, giáo dục – đào tạo, thành phố Cần Thơ có kế hoạch sẽ tổ chức đoàn công tác đến New Zealand vào khoảng tháng 9/2024 - ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ và cho biết hiện có trở ngại lớn là các chuyến bay trực tiếp từ Việt Nam qua New Zealand còn hạn chế.
"Nếu mở được nút thắt này thì các hoạt động du lịch, xúc tiến đầu tư giữa hai nước sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Về phía New Zealand, bà Ginny Chapman cho biết, Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng luôn là ưu tiên hàng đầu trong công tác đối ngoại của New Zealand. Với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, New Zealand đang và sẽ có thêm nhiều hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bà Ginny Chapman ấn tượng mạnh về sự kiện lễ khởi động cánh đồng 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Hợp tác xã Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện lúa quốc tế (IRRI) và UBND thành phố Cần Thơ tổ chức trong hôm nay. Mô hình đáp ứng các tiêu chí sử dụng giống xác nhận; áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ (AWD); áp dụng bón phân chuyên biệt (SSNM), sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân; áp dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) quản lý bảo vệ thực vật; áp dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch; thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa…
Thành tựu này là kết quả từ sự nỗ lực của rất nhiều bên như chính quyền, các tổ chức, người dân trong dự án-Bà Ginny Chapman bày tỏ.
Theo bà Ginny Chapman, ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai là một trong những hợp tác trụ cột giữa New Zealand và Việt Nam, đồng thời cho hay, hai bên đang có sự hợp tác rất tốt về giáo dục và nghiên cứu giữa các viện, trường. New Zealand mong muốn được kết nối sâu rộng hơn với các trung tâm nghiên cứu lớn ở Cần Thơ và sẽ có học bổng dành cho cán bộ nhà nước như chương trình đào tạo tiếng Anh, đào tạo ngắn hạn. Các chương trình này sẽ được thay đổi luân phiên tùy theo nhu cầu và yêu cầu từ phía Việt Nam.
Thông tin từ Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Cần Thơ sang thị trường New Zealand là 7,91 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy sản, may mặc, nông sản và nông sản chế biến. Kim ngạch nhập khẩu là 7,6 triệu USD, với các mặt hàng chủ yếu là nguyên liệu thủy sản.