Tại buổi tiếp, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 7.000 người có công. Mặc dù kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã tập trung các nguồn lực để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công. Cùng với các chính sách, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" không ngừng phát triển. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụ dưỡng. Tỉnh cũng thường xuyên thăm hỏi, tặng quà cho người có công, gia đình chính sách trong các dịp như Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27 tháng 7 hàng năm; Tết nguyên đán; hỗ trợ nhà ở cho người có công, gia đình chính sách khó khăn.
Bày tỏ vui mừng đón Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh Đắk Nông nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc anh dũng hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực, trí tuệ của mình đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao to lớn của người có công, các thương binh, liệt sỹ, các Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong đó, tỉnh Đắk Nông có hơn 7 nghìn người có công đã được công nhận, gồm: 1,2 nghìn liệt sỹ, 65 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1 nghìn thương binh, 500 bệnh binh, khoảng 1,2 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học.
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, suốt những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách trọng điểm, được ưu tiên hàng đầu trong hệ thống chính sách xã hội. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật để chăm lo tốt hơn đời sống của người có công với cách mạng. Bên cạnh chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn có nhiều chính sách cụ thể chăm lo người có công, đó là: Chính sách chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, ưu tiên giao đất sản xuất; ưu đãi về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình tưởng niệm...
"Các chính sách, chế độ kịp thời, có ý nghĩa và được tạo thuận lợi để người có công khi tiếp nhận, thụ hưởng chính sách cảm thấy ấm lòng, cảm nhận được những tình cảm, sự tri ân của các thế hệ sau đối với các thế hệ trước", Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ghi nhận, biểu dương các thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sỹ và người có công đã vượt lên thương tật, mất mát, hy sinh, khắc phục khó khăn, không ngừng phát huy phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng, đóng góp tâm sức cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước, nêu gương sáng cho thế hệ trẻ.
Thường trực Ban Bí thư cũng biểu dương các cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Nông, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng luôn chú trọng thực hiện tốt công tác người có công, triển khai kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các chính sách; đồng thời đề nghị tỉnh Đắk Nông tiếp tục quan tâm, có giải pháp thiết thực để cải thiện đời sống của người có công tại tỉnh.
Đối với các kiến nghị của Đoàn về chính sách, chế độ điều dưỡng, lương hưu, bảo trợ xã hội đối với người có công, Thường trực Ban Bí thư cho biết sẽ ghi nhận, gửi đến các cơ quan chức năng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách liên quan.