Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV ngày 9/5, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về “đường”, chất tạo ngọt, ghi nhãn… là vô cùng cần thiết để Luật có thể triển khai hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Cùng với đó, với thuế suất đối với xe ô tô hybrid, nhiều ý kiến cho rằng, cần giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành.
Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình): Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của từng mặt hàng
Thực tế, tác hại của thuốc lá đã được chứng minh qua rất nhiều nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người hút mà còn tác động nghiêm trọng đến những người xung quanh, ảnh hưởng đến năng suất lao động và sự phát triển bền vững của dân tộc. Chính vì vậy, Việt Nam đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đồng thời thuốc lá cũng nằm trong danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2009.
Từ ngày 1/1/2019, thuế suất áp dụng với thuốc lá là 75%. Tuy nhiên, mức thuế này được tính trên giá xuất xưởng, dẫn đến thực tế tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ mới chỉ đạt khoảng 36%, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 75% trên giá bán lẻ. Trong khi, các nước thu nhập trung bình trong khu vực như: Thái Lan, Philippines, Singapore đã áp dụng mức thuế từ 60 - 78% trên giá bán lẻ.
Hiện nay, trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, có hai phương án được đưa ra. Tuy nhiên, phương án 1 đang được chọn là giữ nguyên mức 75% như hiện hành. Tôi cho rằng, nếu muốn tiệm cận với chuẩn quốc tế và thực sự giảm được tỷ lệ hút thuốc cần có lộ trình tăng thực chất mức thuế tính trên giá bán lẻ, chứ không chỉ dừng ở mức thuế suất danh nghĩa. Do đó, tôi nghiêng về phương án 2 là nâng dần mức thuế sao cho phù hợp với khuyến nghị quốc tế, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu phát biểu. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Đối với nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân chính gây ra béo phì, đặc biệt là ở trẻ nhỏ đã được Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo. Ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu khi đưa vào quy định mức đường dưới 5g/100ml và đây là ngưỡng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nhiều loại chất tạo ngọt hiện nay như: fructose, siro ngô… có độ ngọt cao, tác hại lớn nhưng lại không bị tính là “đường” theo định nghĩa cũ. Vì thế, cần có quy định chặt chẽ và minh bạch hơn về ghi nhãn và thành phần các chất tạo ngọt. Việc ban hành các văn bản dưới luật, đặc biệt là Nghị định hướng dẫn, phải cụ thể hóa danh mục sản phẩm chịu thuế. Từ đó, tránh gây hiểu nhầm hoặc áp dụng chồng chéo, đặc biệt với các sản phẩm nông nghiệp, trái cây chế biến của Việt Nam.
Tôi đồng tình với một ý kiến được nêu trong phiên thảo luận, cần trao quyền cho Chính phủ được điều chỉnh danh mục sản phẩm chịu thuế theo tình hình thực tiễn, tránh cứng nhắc theo danh mục liệt kê trong Luật. Bên cạnh đó, cần có lộ trình điều chỉnh thuế rõ ràng, minh bạch và đủ mạnh để đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng các sản phẩm có hại như: thuốc lá, rượu bia, nước ngọt có đường; đồng thời, cần tránh gây khó khăn không cần thiết cho các sản phẩm lành mạnh hoặc có nguồn gốc nông sản. Việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về “đường”, chất tạo ngọt, ghi nhãn… là vô cùng cần thiết để Luật có thể triển khai hiệu quả và phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Siết chặt quản lý thị trường, kiểm soát hàng hóa
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tôi cho rằng, mức thuế tiêu thụ đặc biệt 70% cho xe sử dụng đồng thời xăng và điện là phù hợp, nên được giữ nguyên. Xe sử dụng song song cả xăng và điện không thực sự mang lại hiệu quả rõ rệt về bảo vệ môi trường hay tiết kiệm nhiên liệu. Trong thực tế, loại xe này không phổ biến, nguồn cung ít và người tiêu dùng cũng còn e ngại vì tính ổn định không cao nếu hệ thống điện gặp sự cố, việc chuyển sang xăng có thể gây trục trặc.
Do đó, chính sách ưu đãi thuế nên tập trung cho xe thuần điện hoặc xe tiết kiệm năng lượng thực sự thay vì xe sử dụng cả xăng và điện vốn vẫn phát thải khí độc hại. Ngoài ra, nếu xe dùng xăng vẫn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cao, thì không thể có chuyện xe lai xăng–điện lại được hưởng mức thuế thấp hơn vì sẽ tạo ra sự bất hợp lý trong hệ thống thuế hiện hành.
Đối với mặt hàng thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với mặt hàng này là hoàn toàn cần thiết, phù hợp với định hướng chính sách về bảo vệ sức khỏe cộng đồng và theo đúng lộ trình của luật hiện hành.
Để chống thất thu thuế đối với thuốc lá do buôn lậu, theo tôi cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và chống buôn lậu. Hiện nay, thuốc lá nhập lậu qua biên giới vẫn diễn ra phổ biến với giá bán thấp hơn thuốc lá sản xuất trong nước. Điều này gây bất bình đẳng cho doanh nghiệp nội địa, làm thất thoát nguồn thu ngân sách và khiến chính sách tăng thuế trở nên kém hiệu quả.
Thuốc lá là một mặt hàng đặc biệt, nhưng cũng là sản phẩm của doanh nghiệp và doanh nghiệp là một phần quan trọng của nền kinh tế. Nếu áp thuế cao với doanh nghiệp trong nước lại để thuốc lá nhập lậu tràn lan sẽ dẫn đến thất thu thuế, mất công bằng và không đạt được mục tiêu chính sách.
Vì vậy, tăng thuế là cần thiết, nhưng phải đi kèm với siết chặt quản lý thị trường và kiểm soát hàng nhập lậu để chính sách thuế phát huy đúng vai trò điều tiết và bảo vệ sản xuất trong nước.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình): Giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với xe bán tải
Tôi rất hoan nghênh Ban soạn thảo và Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã tiếp thu nghiêm túc nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn về một số điểm, đặc biệt là liên quan đến việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe bán tải (pick-up). Chính phủ đã thừa nhận rằng, loại xe này được sử dụng chủ yếu cho mục đích sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục đề xuất phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình đến năm 2027 với các mức tăng từ 3%, 5% lên 7% là điều chưa thật sự hợp lý và chưa rõ mục tiêu quản lý nhà nước.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trả lời phỏng vấn PV TTXVN. Ảnh: Hải Ngọc - TTXVN
Nếu mục tiêu không phải để tăng thu ngân sách, cũng không phải để hạn chế tiêu dùng thì việc tăng thuế thêm 3% dường như không có căn cứ và mục tiêu quản lý rõ ràng. Trong khi đó, cơ quan soạn thảo cũng đã thừa nhận rằng, việc tăng thuế quá mức có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hơn nữa, Bộ Chính trị cũng vừa có Nghị quyết 68-NQ/TW yêu cầu về cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, đặt ra mục tiêu giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp trong năm 2025 và tiếp tục giảm trong những năm sau. Trong bối cảnh đó, việc tăng thuế đối với một phương tiện phục vụ kinh doanh lại đi ngược tinh thần của Nghị quyết.
Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành đối với xe bán tải, không tăng thêm, phù hợp với định hướng hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế hiện nay.