Cùng tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; đại diện các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các sở, ngành của thành phố Hà Nội, các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội và đoàn đã đi khảo sát thực địa tại một số nút giao, vị trí quan trọng xây dựng tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên như: Vị trí giao với Quốc lộ 38 trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; vị trí giao Đê tả sông Hồng - đầu cầu Mễ Sở tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; nút giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; vị trí ranh giới giữa hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên... Đoàn cũng đã làm việc và trao đổi trên thực địa với lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên nhằm thống nhất một số nội dung quan trọng, đặc biệt là tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua địa bàn 3 huyện Gia Bình, Thuận Thành, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh với tổng chiều dài khoảng 35,3 km; gồm 25,6 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nhánh kết nối đường Vành đai 4 với đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng vốn đầu tư đường Vành đai 4 tại tỉnh Bắc Ninh là 5.274 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng 2.110 tỷ đồng; ngân sách địa phương tỉnh Bắc Ninh là 3.164 tỷ đồng. Đến nay, 3 huyện và thành phố Bắc Ninh mà dự án đi qua đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, hoàn thành công tác đo đạc bản đồ địa chính, thống kê sơ bộ nhu cầu sử dụng đất, đề xuất khu tái định cư...
Đường Vành đai 4 -Vùng thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3 km, đi qua 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm. Tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 5.245 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng 3.740 tỷ đồng; ngân sách địa phương tỉnh Hưng Yên là 1.505 tỷ đồng. Đến nay, 4 huyện đã hoàn thành trích lục bản đồ địa chính và đang triển khai công tác trích đo giải thửa, rà soát, quy chủ đối với đất nông nghiệp và đất ở. Các huyện cũng đã hoàn thành đề xuất nhu cầu bố trí tái định cư, lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để làm căn cứ thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất theo quy định pháp luật.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp quá trình tổ chức, triển khai dự án Vành đai 4 trên địa bàn thuận lợi, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên đã nêu một số kiến nghị đối với các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội. Đáng chú ý, hai tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn rút ngắn các thủ tục, thời gian thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần; hướng dẫn phân bổ, ứng vốn cho dự án...
Trao đổi, thảo luận tại các cuộc làm việc, đại diện thành phố Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động người dân; giải quyết những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, trong đó có cơ chế ứng vốn; vận dụng cơ chế để thực hiện cải tạo nâng cấp, xây dựng mới nghĩa trang, xây dựng nhà tái định cư... Lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên đều khẳng định, đường Vành đai 4 là dự án trọng điểm, quan trọng, là động lực phát triển to lớn đối với địa phương. Thời gian qua, người dân trên địa bàn đều hồ hởi, phấn khởi, chờ mong; lãnh đạo các cấp đều ý thức rõ về trách nhiệm, chủ động vào cuộc quyết liệt.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị, sớm tổ chức họp Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tổng hợp các vấn đề khó khăn, vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; có chỉ đạo thống nhất để các tỉnh làm căn cứ phê duyệt các dự án thành phần; làm việc với các tỉnh trong vùng để cấp phép ngay việc khai thác mỏ phục vụ dự án... Quan điểm của tỉnh Bắc Ninh là nỗ lực tháo gỡ tối đa những khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án đạt kết quả cao nhất.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, mặc dù đang vướng mắc về việc ứng vốn giải phóng mặt bằng nhưng qua làm việc với đoàn công tác hôm nay, tỉnh đã rõ hướng giải quyết, tới đây sẽ triển khai theo thẩm quyền; trước mắt, tỉnh sẽ ứng tiền ngay để phục vụ di dời mồ mả trước dịp 23 tháng Chạp. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang, xây dựng khu tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời, thống nhất các nội dung với thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai dự án. Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết thêm, dù rất khó khăn nhưng tỉnh quyết tâm thực hiện bằng được tiến độ dự án, bảo đảm đến tháng 6/2023, bàn giao ít nhất 70% mặt bằng.
Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần quyết tâm cao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên; đặc biệt nhờ sự ủng hộ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, kết quả công việc đạt được tương đối toàn diện. Trong đó, công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng được triển khai tích cực, nhanh chóng, đến nay cơ bản đã thống kê đầy đủ, xác định địa điểm nhà tái định cư, địa điểm di chuyển mồ mả..
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý, nhiệm vụ đặt ra phía trước còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; tiến độ đòi hỏi cũng rất cao, trước hết là việc di dời mồ mả theo phong tục văn hóa cổ truyền thường phải trước ngày 23 tháng Chạp; trong khi nguồn vốn Trung ương dành cho giải phóng mặt bằng chưa được cấp, cần thiết phải thực hiện cơ chế tạm ứng.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, trong đó có nội dung trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhất trí với ý kiến của lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên giao cho các cơ quan chuyên môn 3 địa phương tổng hợp báo cáo để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết. Trong quá trình đó, 3 tỉnh thành phố tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cách làm của nhau để tháo gỡ; vận dụng giải pháp tạm ứng ngân sách bảo đảm đúng quy định pháp luật, giúp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.