Thể hiện vai trò tích cực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Thông tin về việc Việt Nam tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, triển khai đối ngoại thông tin trong tình hình mới, ông Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an, Việt Nam tham gia trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm, cân bằng, thể hiện rõ lập trường ủng hộ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực, quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của mình trong quá trình tái thiết, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực. Việt Nam đang dần quan tâm sâu, chủ động hơn, nắm bắt các cơ hội để thúc đẩy quan tâm lợi ích và ưu tiên của mình tại Hội đồng Bảo an một cách hiệu quả hơn...
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020, Việt Nam đã chủ trì, điều hành nhiều công việc định kỳ và đột xuất. Đặc biệt, Việt Nam có sáng kiến tổ chức hai sự kiện quan trọng thu hút sự quan tâm của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và tạo dấu ấn tại Hội đồng Bảo an. Cụ thể, Việt Nam đã tổ chức thảo luận mở của Hội đồng Bảo an với chủ đề "Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì; tổ chức phiên họp về hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN - đây là lần đầu tiên chủ đề này được thảo luận tại Hội đồng Bảo an.
Với vai trò của Điều phối viên Nhóm các nước Ủy viên không thường trực (E10) tại Hội đồng Bảo an tháng 5/2020, Việt Nam thể hiện được vai trò tích cực nhất là việc chủ động nối lại cuộc gặp trực tuyến giữa E10 và Tổng Thư ký Liên hợp quốc; chủ trì xây dựng phát biểu chung của E10 tại phiên họp mở rộng về phương pháp làm việc; là đầu mối trao đổi trong E10 với Ban Thư ký Liên hợp quốc về việc bổ nhiệm Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya. Việt Nam chủ động thúc đẩy phối hợp với Indonesia để lần đầu tiên hai nước ASEAN là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an có phát biểu chung tại Hội đồng Bảo an (phiên họp mở về hợp tác Liên hợp quốc và EU), góp phần đề cao vai trò, hợp tác và sự hiện diện của ASEAN tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Phát huy hình ảnh, vị thế, vai trò tại các diễn đàn của UNESCO
Tại hội nghị, ông Mai Pham Dũng, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao và ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã thông tin về các hoạt động trọng tâm của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; chiến lược của UNESCO tại Việt Nam giai đoạn 2020-2021. Theo đó, phương hướng hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO được đề ra là: thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh sự tham gia, đóng góp tích cực vào việc cải cách và triển khai hoạt động thực tiễn của UNESCO, tiếp tục nâng cao, phát huy hình ảnh, vị thế, vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn của UNESCO, qua đó thúc đẩy, bảo vệ các lợi ích quốc gia; ứng cử vào các cơ chế khác nhau của UNESCO, như vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2005 nhiệm kỳ 2022-2026, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027...
Đồng thời, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; củng cố, phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và UNESCO; tận dụng ý tưởng, chất xám của UNESCO phục vụ phát triển đất nước, đóng góp cho các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhất là trên lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa...
Cũng tại hội nghị, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên, Bộ Công Thương đã cung cấp thông tin cập nhật về tình hình đàm phán và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam.