Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa hai nước. Đặc biệt, gần đây, hợp tác trong lĩnh vực mới về môi trường, năng lượng sạch được đẩy mạnh, phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của hai bên.
Trong khuôn khổ chương trình “Giải pháp khí hậu từ Phần Lan” (Climate solutions from Finland, diễn ra vào cuối tháng 4/2024, tại Helsinki, Phần Lan), Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Phần Lan Kai Mykkänen đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, chia sẻ giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2035 cũng như đánh giá kết quả hợp tác hai nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nền kinh tế tuần hoàn đóng vai trò như thế nào trong phát triển bền vững của Phần Lan, thưa Bộ trưởng?
Phát triển kinh tế tuần hoàn là nội dung cơ bản của quá trình chuyển đổi của Phần Lan, hướng tới một xã hội trung hòa carbon. Phát triển kinh tế tuần hoàn cũng góp phần ngăn chặn quá trình suy thoái đa dạng sinh học. Nền kinh tế tuần hoàn không chỉ đơn thuần là rác thải và tái chế mà còn bao gồm sự hợp tác rộng rãi của tất cả các bên liên quan để tạo ra một nền kinh tế phát triển tổng thể với nguồn lực hạn chế của hành tinh duy nhất của chúng ta.
Bên cạnh đó, nền kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra việc làm mới thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo và những mô hình kinh doanh mới dựa trên tái sử dụng hoặc các dịch vụ sửa chữa… giúp tăng cường vòng đời sản phẩm và thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cũng giúp đổi mới sáng tạo trong kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh và cải thiện an ninh nguồn cung và tự chủ chiến lược của nền kinh tế.
Phần Lan được xếp hạng cao trong biểu đồ về đổi mới sáng tạo thân thiện với môi trường. Hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nhiều ngành ở mức cao.
Tuy nhiên, Phần Lan cũng có những thách thức của mình. Lượng tiêu thụ nguyên liệu trong nước cao so với các quốc gia châu Âu. Nguyên nhân một phần đến từ công tác phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và bất động sản ngoại vi thành phố cũng như việc tăng cường các hoạt động khai khoáng.
Để giải quyết những thách thức này, chúng tôi đã khởi xướng một chương trình chiến lược để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu nhằm chuyển đổi nền kinh tế hiện tại thành nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2035. Trong chiến lược này, lần đầu tiên Phần Lan đã đặt ra hạn mức nhằm giảm tiêu thụ quá mức tài nguyên thiên nhiên. Như vậy, Phần Lan là một trong số ít các quốc gia trên thế giới áp dụng giải pháp này.
Các mục tiêu chính của chiến lược thúc đầy kinh tế tuần hoàn bao gồm: Giảm tổng lượng tiêu thụ nguyên liệu trong nước xuống mức của năm 2015 vào năm 2035; tăng gấp đôi hiệu quả vật liệu; tăng gấp đôi tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong tổng lượng sử dụng nguyên liệu.
Để đạt được những mục tiêu này, chúng tôi đã khởi xướng quy trình “Thỏa thuận xanh”. Đó là sự hợp tác toàn diện, cùng nhau hướng tới mục tiêu chung của các bộ ngành chủ chốt, các doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia và nhà khoa học. Sự hợp tác này nhằm mục tiêu cùng xác định những thay đổi và hành động cần thiết để đạt được các mục tiêu kinh tế tuần hoàn được đặt ra.
Dựa trên phân tích khoa học và phương án mô phỏng được các viện nghiên cứu hàng đầu thực hiện, các bên tham gia “Thỏa thuận xanh” sẽ tự nguyện đặt ra mục tiêu và xác định các giải pháp hiệu quả để đạt được những mục tiêu này.
Đến nay, đã có hơn 85 tổ chức tham gia “Thỏa thuận xanh”. Trong số đó có đại diện từ các ngành công nghiệp chủ chốt như lâm nghiệp, xây dựng và ngành công nghiệp hóa chất, các thành phố và tỉnh lớn nhất.
Trong khuôn khổ Chương trình Kinh tế Tuần hoàn quốc gia năm 2023, chúng tôi đã thí điểm “Chương trình huấn luyện Thiết kế tuần hoàn” cùng với Diễn đàn Đạo đức và Thiết kế Phần Lan. Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên trên thế giới có chương trình với loại hình như vậy. Chương trình đã cung cấp một lộ trình phát triển với sự hỗ trợ của chuyên gia và đối tác cho 50 công ty được lựa chọn, để phát triển các giải pháp kinh tế tuần hoàn của riêng mỗi công ty, ở cấp độ sản phẩm hoặc chuỗi cung ứng khác nhau.
99% rác thải ở Phần Lan được tái chế, với các nhà máy xử lý rác thải không mùi và ít hơn 1% rác thải được chôn lấp. Phần Lan đã triển khai các biện pháp nào, thực hiện trong bao lâu để đạt được kết quả như vậy?
Khoảng 125 triệu tấn rác thải được tái tạo hàng năm ở Phần Lan. Trong đó, rác thải khoáng phát sinh từ ngành khai khoáng và xây dựng chiếm 92% và chỉ có 3% là rác thải đô thị (hộ gia đình, cơ sở dịch vụ, các công sở…).
Vào đầu những năm 1990, Phần Lan có gần 2.000 bãi chôn lấp rác thải. Hiện nay, việc chôn lấp rác thải đô thị gần như đã chấm dứt, chỉ còn ít hơn 1%.
Các yếu tố chính thúc đẩy công nghệ xử lý rác thải bao gồm: Thực hiện Chỉ thị quy định bãi chôn lấp rác thải của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 1994; thực hiện thuế rác thải từ năm 1996 và hiện nay mức thuế là 80 Euro/tấn chất thải để có thể tái chế gửi đến bãi chôn lấp. Cùng với đó là từ năm 2016, cấm chôn lấp chất thải hữu cơ, chỉ chất thải có hàm lượng chất hữu cơ phân hủy sinh học và chất hữu cơ khác không vượt quá 10% (được xác định bằng tổng hàm lượng carbon hữu cơ hoặc tổn thất khi đốt cháy) mới có thể được chôn lấp.
Hiện nay, 55% rác thải đô thị được thu hồi dưới dạng năng lượng. Hiện Phần Lan có 11 nhà máy đốt rác đang hoạt động; có chất lượng cao và dựa trên công nghệ kết hợp phát điện và nhiệt (CHP) và một số nhà máy này đang lên kế hoạch chuyển đổi sử dụng công nghệ "Thu hồi và lưu trữ carbon - CCS"/"Thu hồi và sử dụng carbon - CCU" trong tương lai.
43% rác thải đô thị được tái chế (thu hồi dưới dạng nguyên liệu). Chúng tôi vẫn còn phải phấn đấu để có thể đạt được mục tiêu tái chế rác thải đô thị của EU (55% vào năm 2025, 60% đến năm 2030) và mục tiêu đối với rác thải bao bì. Trong đó, mục tiêu xử lý rác thải sinh học là trọng tâm.
Phần Lan đã hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hợp tác giữa hai bên, trong đó có dự án “Tăng cường năng lực giám sát khí tượng cao nguyên phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”, “Dự báo ô nhiễm không khí ở Việt Nam”?
Phần Lan và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác rất tốt. Đặc biệt, hợp tác liên quan đến môi trường và khí hậu giữa hai quốc gia đã rất thành công với những thành tựu ấn tượng. Những kết quả có được nhờ mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau và mục tiêu chung trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chúng tôi đánh giá cao các dự án hợp tác giữa Viện Khí tượng Thủy văn Phần Lan (FMI) và Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam (VNMHA). Các thành tựu đã được giới thiệu tại Gian hàng Phần Lan trong triển lãm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 12/2023.
Các dự án hợp tác liên cơ quan đang được triển khai đã nối lại hoạt động sau đại dịch COVID-19 và đã được gia hạn.
Dự án “Thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống quan trắc và quản lý chất lượng không khí tại các khu vực đô thị của Việt Nam” (PromoAir) đang tiến triển hiệu quả. Các hội thảo về chất lượng không khí đã được tổ chức để cung cấp hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm giải pháp tốt nhất từ Phần Lan về thiết kế mạng lưới giám sát chất lượng không khí. Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (NCEM) thuộc Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (VEA) đang mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới giám sát chất lượng không khí theo “Kế hoạch tổng thể giám sát môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Dự án “Thúc đẩy hiện đại hóa dịch vụ khí tượng thủy văn ở Việt Nam” (PromoServ 3) đã đóng góp hiệu quả vào khả năng của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Việt Nam trong công tác cảnh báo sớm đối với bão nhiệt đới, gió mạnh và mưa lớn.
Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh kết quả của dự án “Nâng cấp khả năng đo mưa, dự báo bão và giông sét của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia” đã hoàn thành vào năm 2021. Dự án được thực hiện bởi Tập đoàn Vaisala - đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm quan trắc thời tiết và đo lường hàng đầu thế giới, phối hợp với Viện Khí tượng Phần Lan. Dự án đã cải thiện mạng lưới radar thời tiết của Việt Nam và lắp đặt một mạng lưới cảm biến phát hiện sét bao phủ toàn quốc.
Đánh giá gần đây cho thấy, dự án rất phù hợp với công tác phát triển khả năng quan trắc và dự báo thời tiết của Việt Nam; đáp ứng công tác cải thiện hệ thống cảnh báo sớm, từ đó giảm thiểu thiệt hại do các hình thái thời tiết cực đoan gây ra. Các yếu tố thành công của dự án chính là sự tham gia chủ động, tích cực cùng cam kết của cơ quan quản lý dự án - Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam và các nhà thầu Phần Lan.
Đầu tư vào các dịch vụ khí tượng và hệ thống cảnh báo sớm là một trong những cách tốt nhất và tiết kiệm chi phí nhất để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đây cũng là cách tránh những tổn thất và thiệt hại trong tương lai do tác động của biến đổi khí hậu.
Nhìn chung, sự hợp tác lâu dài giữa các đối tác Phần Lan và Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn và dự báo thời tiết của Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có thể ứng phó tốt hơn với các rủi ro ngày càng tăng liên quan đến khí hậu và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời hỗ trợ các ngành khác như nông nghiệp, y tế…
Xin cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng Kai Mykkänen!