Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là trụ cột chính của Việt Nam trong quá trình Đổi mới gần 40 năm qua với nhiều thành tựu quan trọng. Tầm nhìn mà Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là đến năm 2045 là Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Vì vậy, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với các quốc gia có thế mạnh về khoa học công nghệ, như Vương quốc Bỉ - một trong những quốc gia đổi mới sáng tạo nhất châu Âu. Bỉ có nhiều tiềm năng để hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt kết nối với ngành công nghệ sản xuất vi mạch điện tử.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đây là những nội dung chủ yếu của buổi làm việc ngày 20/2 giữa Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng với các đối tác của Bỉ là Hub.Brussels, Trung tâm vi điện tử liên đại học IMEC và Tập đoàn John Cockerill.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đoàn công tác liên ngành các bộ, trung tâm đổi mới sáng tạo, các viện nghiên cứu, trường đại học thăm và làm việc tại Bỉ từ ngày 18-21/2, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính triển khai và cụ thể hóa kết quả chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Bỉ tháng 12/2022, xung quanh việc thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo.
Hub.Brussels là một tổ chức liên ngành hàng đầu ở Vùng thủ đô Brussels hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, trong đó có các công ty khởi nghiệp thông qua các chương trình ươm tạo, tăng tốc và mạng lưới các chuyên gia, cơ sở vật chất, các nguồn tài trợ, hỗ trợ. IMEC là một trong những trung tâm nghiên cứu và phát triển hàng đầu châu Âu và trên thế giới trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ nano, đặc biệt là các công nghệ mới cho các ngành công nghiệp: sản xuất thông minh, thiết bị di động, đô thị thông minh, năng lượng,… Còn John Cockerill là tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Bỉ với hơn 200 năm lịch sử. Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất máy móc và giải pháp công nghiệp trong nhiều mảng bao gồm năng lượng, môi trường, hydrogen, quốc phòng, dịch vụ công nghiệp. Trong lĩnh vực hydrogen, John Cockerill đang là một trong hai đơn vị đầu tư lớn hàng đầu thế giới.
Làm việc với Hub.Brussels, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hoan nghênh các nội dung hợp tác của tổ chức này với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), sau cuộc gặp của Bộ trưởng với lãnh đạo Hub.Brussels hồi tháng 12/2022. Theo đó, Hub.Brussels và NIC đã thống nhất về khả năng hợp tác trong một số nội dung như chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm tốt nhất để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), hợp tác để tiếp cận các cơ hội tài trợ cho các dự án đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Hub.Brussels tư vấn, hỗ trợ cho NIC về vận hành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; kết nối quỹ đầu tư; ươm tạo, tăng tốc khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trong năm 2023, Bộ trưởng giao cho NIC và Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu (VINEU) phối hợp với Hub.Brussels nghiên cứu xây dựng một chương trình trao đổi các công ty khởi nghiệp để đưa một số doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến khảo sát, làm việc, trao đổi, học tập tại Hub.Brussels, cũng như tổ chức các chương trình kết nối cho các công ty khởi nghiệp để tiếp cận công nghệ, thị trường tại Bỉ và châu Âu. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Hub.Brussels sẽ là đầu mối kết nối, hỗ trợ tìm kiếm các đối tác đổi mới sáng tạo tại Bỉ nói riêng và khu vực châu Âu nói chung cho NIC, đặc biệt là các đối tác có công nghệ mới, hiện đại vào đặt văn phòng hoạt động hoặc đầu tư tại cơ sở NIC Hòa Lạc. Bộ trưởng cũng mời Hub.Brussels mở văn phòng đại diện đặt tại NIC Hòa Lạc để hợp tác với NIC phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam và kết nối với hệ sinh thái tại Bỉ.
Bà Annelore Isaac - Phó Giám đốc điều hành Hub.Brussels - nhấn mạnh đổi mới, sáng tạo là vấn đề quan trọng. Bà bày tỏ tin tưởng vào sự hợp tác với phía Việt Nam và có thể triển khai hợp tác về y tế, xây dựng. Hub.Brussels sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam được lựa chọn cử sang Bỉ học tập kinh nghiệp, đồng thời cũng mong muốn đưa một số startups của Bỉ tới Việt Nam tham quan, học tập.
Nhân dịp này, Hub.Brussels, NIC và VINEU đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Làm việc với Trung tâm IMEC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam rất quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa IMEC với các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là hợp tác nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam, qua đó tham gia chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Trong năm 2023, Bộ trưởng đề nghị IMEC phối hợp với NIC và các cơ sở đào tạo của Việt Nam (như Đại học Bách Khoa) tổ chức các chương trình hợp tác về đào tạo cho sinh viên và kỹ sư về ngành bán dẫn; hỗ trợ sinh viên ngành điện tử, bán dẫn của Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại hệ thống các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của IMEC. Mặt khác, Bộ trưởng đề nghị IMEC xây dựng các chương trình tư vẫn, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào ngành bán dẫn, tập trung vào các doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như VNPT, Viettel, CMC, FPT, phát triển cơ sở nghiên cứu về vi điện tử, vi mạch, chip - bán dẫn tại cơ sở NIC Hòa Lạc.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, IMEC và NIC đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển năng lực công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam. Theo đó, IMEC nghiên cứu khả năng hợp tác phát triển một trung tâm R&D bán dẫn tại Việt Nam. Hai bên hợp tác xây dựng chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam và cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn John Cockerill, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Việt Nam rất quan tâm đến lĩnh vực hydrogen, hiện là thế mạnh của tập đoàn Bỉ. Việt Nam có nguồn lực lớn về năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, hydro xanh. Các nhà máy sản xuất công nghiệp của Việt Nam rất cần chuyển đổi sang cách thức thân thiện với môi trường. Do đó, Việt Nam muốn hợp tác toàn diện với John Cockerill trong lĩnh vực năng lượng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự quan tâm, ý định đầu tư cũng như hành động nhanh chóng và quyết liệt của John Cockerill tới thị trường Việt Nam. Từ sau cuộc gặp đầu tiên của John Cockerill trong chuyến thăm của Thủ tướng tới Bỉ vào tháng 12/2022, John Cockerill đã tích cực làm việc và phối hợp với các Bộ ngành của Việt Nam đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nghiên cứu và xúc tiến cơ hội hợp tác. Bộ trưởng mong muốn John Cockerill trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam thông qua việc triển khai nhanh các chương trình hợp tác và các dự án nghiên cứu và phát triển, các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Về phần mình, lãnh đạo Tập đoàn John Cockerill bày tỏ mong muốn đầu tư toàn diện và chiến lược vào Việt Nam và biến hoạt động tại Việt Nam thành trung tâm để phục vụ thị trường Đông Nam Á và có thể là cả thị trường Đông Bắc Á. John Cockerill muốn tập trung vào các giải pháp liên quan tới chuyển đổi năng lượng bao gồm cả năng lượng sinh khối (biomass), hydrogen, giải pháp carbon thấp trong năng lượng.
Tại buổi làm việc, John Cockerill và NIC đã ký kết Bản ghi nhớ. Theo đó Tập đoàn Bỉ cân nhắc đầu tư vào R&D tại NIC trong một số chủ đề liên quan tới hydrogen xanh; phòng thí nghiệm về các sản phẩm nhiên liệu sinh khối; phát triển sản phẩm liên quan tới công nghệ làm mát trong các nhà máy điện và trong các ngành công nghiệp. Tập đoàn nghiên cứu, đầu tư vào nhà máy tại Việt Nam để sản xuất máy điện phân dòng cao cấp cho việc sản xuất hydrogen xanh; máy trao đổi nhiệt nhựa và kim loại cho công nghệ làm mát hiệu suất cao. Tập đoàn sẽ cử các chuyên gia đào tạo và nâng cao kỹ năng cho để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho các giải pháp công nghệ của John Cockerill; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất (như ngành thép) thực hiện các giải pháp giảm phát thải. John Cockerill cũng sẽ cử chuyên gia phối hợp với NIC về các nội dung liên quan tới đổi mới sáng tạo.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các trung tâm, tập đoàn Bỉ rất thiện chí, mong muốn hợp tác và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam. Phía Bỉ sẵn sàng cử chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng mới như năng lượng hydro, năng lượng sinh khối, phù hợp với nhu cầu chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi ngành kinh tế mà Việt Nam đã cam kết ở Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là đưa phát thải ròng trong nước về 0 vào năm 2050.
Cũng trong ngày 20/2, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với Ban Lãnh đạo VINEU. Bộ trưởng khẳng định VINEU sẽ là cánh tay nối dài của NIC để kết nối, trao đổi với các chuyên gia, đối tác người Việt và quốc tế để cùng tham gia nghiên cứu đề xuất, xây dựng chiến lược, triển khai kêu gọi đầu tư, tìm kiếm công nghệ tốt nhất, phù hợp nhất cho Việt Nam. Bộ trưởng đã hoan nghênh việc VINEU đã chủ động kết nối một số các chuyên gia người Việt trong lĩnh vực này.
Trong năm 2023, VINEU sẽ tổ chức "Hội thảo xúc tiến hợp tác song phương về chuyển đổi năng lượng hướng tới mục phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050" tại Berlin; Ngày hội đổi mới sáng tạo Việt Nam tại châu Âu; tham dự cuộc thi VIC do NIC tổ chức; thúc đẩy hợp tác với Hub.Brussels cũng như kết nối nhóm các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực chất bán dẫn để tư vấn cho Việt Nam về lĩnh vực công nghệ này.