Thủ tướng Israel B. Netanyahu hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đặc biệt vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thủ tướng Israel bày tỏ ấn tượng trước các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Israel và với lợi thế bổ sung cho nhau, hai bên có tiềm năng rất lớn để tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về khoa học - công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ xử lý nước và y tế.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ vui mừng được đến thăm Israel, quốc gia có trình độ phát triển cao về khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Israel, phấn khởi trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 30 năm qua. Phó Thủ tướng đã chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Israel B. Netanyahu sớm thăm Việt Nam. Thủ tướng B. Netanyahu vui vẻ nhận lời, bày tỏ mong sớm được thăm chính thức Việt Nam, đồng thời gửi lời mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sớm thăm chính thức Israel.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh hai bên cần coi khoa học – công nghệ và nông nghiệp công nghệ cao là những lĩnh vực ưu tiên hợp tác, khẳng định Việt Nam khuyến khích và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Israel tăng cường đầu tư vào Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực thế mạnh của Israel như khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin…; đề nghị Israel tăng số lượng tu nghiệp sinh Việt Nam tiếp nhận hàng năm, đồng thời đẩy nhanh đàm phán và sớm ký kết Hiệp định hợp tác lao động. Thủ tướng B. Netanyahu hoan nghênh các đề xuất hợp tác trên và cho biết sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành Israel phối hợp với phía Việt Nam để thúc đẩy.
Hai bên nhất trí cùng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Israel thông qua các biện pháp như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là Cấp cao; phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế; đẩy mạnh trao đổi các đoàn doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel; nghiên cứu sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, du lịch và giao lưu nhân dân.
Ngay trước Hội đàm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng B. Netanyahu đã cùng chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel. Để sớm triển khai Hiệp định, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề nghị các cơ quan hữu quan hai nước sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn và thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp về tiềm năng, cơ hội do Hiệp định này mang lại. Hai bên bày tỏ tin tưởng Hiệp định sẽ đưa quan hệ hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Israel lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, mong muốn của Lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Hiệp định gồm 15 Chương và một số phụ lục đính kèm các chương với các nội dung cơ bản như thương mại hàng hóa, dịch vụ - đầu tư, quy tắc xuất xứ, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh kiểm dịch động thực vật, hải quan, phòng vệ thương mại, mua sắm chính phủ, pháp lý – thể chế. Hai bên cam kết nâng tỷ lệ tự do hóa thương mại đến cuối lộ trình với cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế.
Như vậy, sau 7 năm với 12 vòng đàm phán, Việt Nam và Israel đã chính thức ký VIFTA – Hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với khu vực Trung Đông, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1993-12/7/2023). Đây là một dấu mốc quan trọng góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới. Đây cũng điều kiện để hai bên gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong năm 2023 lên khoảng 10-15% và hướng tới mục tiêu 3 tỉ USD ngay trong thời gian tiếp theo. Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Mặc dù có dung lượng thị trường khiêm tốn do dân chỉ chỉ xấp xỉ 10 triệu người, nhưng Isael có hoạt động kinh tế và ngoại thương khá phát triển. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của nước này đạt xấp xỉ 55.000 USD; kim ngạch ngoại thương đạt 173 tỷ USD. Vòng quay tiêu dùng ở thị trường Israel nhanh, thể hiện ở trị giá nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh hàng năm, sau khi VIFTA được ký kết, mở cửa thị trường và giảm thuế cho hàng xuất khẩu của ta, các doanh nghiệp của Việt Nam có thể tranh thủ khai thác cơ hội xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao sang thị trường này.
Về thương mại, Israel hiện đứng thứ 3 trong danh sách thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Trong năm 2018, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 1,2 tỷ USD tăng liên tục và đến năm 2022 đạt 2,2 tỷ USD.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã hội kiến Tổng thống Israel Isaac Herzog.
Tại buổi hội kiến, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ vui mừng đến thăm Israel nhân dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với Israel, đồng thời bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước thời gian qua.
Nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Israel, Phó Thủ tướng đề nghị hai nước tăng cường các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Tổng thống Israel Isaac Herzog sớm thăm Việt Nam. Tổng thống Israel vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sẽ tiếp bước Tổng thống Israel Shimon Peres, sớm thực hiện chuyến thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực kinh tế, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Israel tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực Israel có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, lực lượng lao động...
Phát biểu tại cuộc hội kiến, Tổng thống Isaac Herzog bày tỏ trân trọng lịch sử, đất nước và con người Việt Nam, đánh giá cao vai trò, vị thế cũng như những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua. Tổng thống Israel hoan nghênh chuyến thăm lịch sử của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nhấn mạnh chuyến thăm sẽ mở ra cơ hội tốt để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Hai bên đã trao đổi và thống nhất một số biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa song phương như tích cực triển khai Hiệp định Thương mại tự do sẽ được ký kết trong chuyến thăm, nâng cao kim ngạch thương mại, thúc đẩy hợp tác đầu tư, du lịch, sớm mở đường bay thẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp thị thực cho công dân hai nước để đẩy mạnh giao lưu nhân dân và hợp tác kinh tế…
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tiếp đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp của Israel. Tham dự buổi gặp mặt còn có Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên; Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung cùng các thành viên trong đoàn Việt Nam thăm chính thức Israel. Về phía Israel có đại diện lãnh đạo Viện Xuất khẩu Israel; lãnh đạo Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel; và gần 20 doanh nghiệp sở tại đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các doanh nghiệp quan tâm được tiếp cận nhiều hơn với môi trường đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp áp dụng công nghệ cao mà bạn quan tâm như dệt may, sản phẩm nhựa đặc thù, vận tải biển, xử lý nước, năng lượng sạch, chuyển đổi số…
Tối 25/7, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đã rời Israel lên đường sang thăm chính thức Ai Cập.