Phát biểu khai mạc, ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho biết: Trong thời gian qua sự gia tăng các dòng di cư xuyên quốc gia đưa đến việc ra đời Thỏa thuận GCM - thỏa thuận liên chính phủ đầu tiên về di cư nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác toàn cầu để quản lý di cư một cách hiệu quả. Thỏa thuận GCM là kết quả của sự đoàn kết, hợp tác, tinh thần chia sẻ trách nhiệm của các quốc gia hướng tới mục tiêu thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự vì sự phát triển bền vững và bao trùm.
Theo ông Tô Anh Dũng, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng công dân di cư ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều. Cùng với quá trình hội nhập, Việt Nam đã và đang hoàn thiện, ban hành chính sách, pháp luật tạo thuận lợi cho hoạt động di cư hợp pháp, an toàn, phòng chống di cư trái phép, mua bán người và bảo vệ quyền của người di cư.
Việc Việt Nam thông qua Thỏa thuận GCM là bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế về di cư, đồng thời tạo thêm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực này. Việc triển khai Thỏa thuận GCM vừa là trách nhiệm của Việt Nam khi tham gia các cam kết quốc tế, vừa là cơ hội tăng cường công tác quản lý di cư, tạo môi trường di cư minh bạch, an toàn, đảm bảo các quyền cơ bản của người di cư.
Tại phiên khai mạc, ông Mark Brown, Quyền Trưởng Phái đoàn Di cư quốc tế tại Việt Nam, nêu rõ: Di cư từ Việt Nam đến các quốc gia ngoài khu vực được coi là phức tạp về hình thức và đa dạng về mục đích. Di cư phát triển mạnh mang lại cho Việt Nam nguồn tri thức và lượng tiền chuyển về lên đến hàng tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng làm phát sinh những vấn đề phức tạp liên quan quyền và lợi ích của người di cư. Vì vậy, trong quá trình xây dựng các thỏa thuận GCM, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình trong việc thúc đẩy hiệp ước chung, trách nhiệm chung và nhất quán về mục đích trong vấn đề di cư để di cư có lợi cho tất cả các bên liên quan.
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho rằng Thỏa thuận CGM là nỗ lực nhằm quản lý di cư hiệu quả, hạn chế các rủi ro ở cấp độ toàn cầu, để di cư có thể trở thành động lực cho hợp tác và phát triển các quốc gia trong một thế giới mà sự toàn cầu hóa và thực hiện kết nối chuỗi sản xuất đang diễn ra hàng ngày. Hội nghị sẽ góp phần tích cực cho việc khởi động một tiến trình di cư hợp pháp, an toàn và trật tự để giúp phát huy tối đa năng lực của người Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới; cũng như những người nước ngoài nhập cư hợp pháp sẽ nhìn thấy ở TP Hồ Chí Minh như là ngôi nhà thứ hai của mình.
Sau phiên khai mạc, Hội nghị bước vào các phiên làm việc chính thức với các nội dung: phổ biến Thỏa thuận CMC; sự tham gia của Việt Nam đối với quá trình xây dựng, thông qua Thỏa thuận; các ưu tiên và Kế hoạch triển khai Thỏa thuận CCM của Việt Nam… Các đại biểu cũng thảo luận về công tác phòng, chống mua bán người của Việt Nam và các biện pháp đấu tranh, tuyên truyền đối ngoại; các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người từ trung ương đến địa phương, góp phần thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn…
Hội nghị cung cấp ý kiến đóng góp xây dựng Kế hoạch triển khai Thỏa thuận CGM; đưa ra những đánh giá tổng thể về tình hình và chính sách trong lĩnh vực di cư quốc tế và phòng, chống buôn bán người của Việt Nam, từ đó giúp củng cố cơ chế phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về di cư.
Hiện nay, trên thế giới có hơn 272 triệu người di cư (chiếm 3,5% dân số thế giới) với 74% số người trong độ tuổi lao động. Riêng tại Việt Nam, hằng năm có hơn 100 nghìn người ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, hàng chục nghìn trường hợp kết hơn với người nước ngoài và hiện có hơn 300 nghìn người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Hiện tổng cộng hơn 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thỏa thuận GCM được chính thức thông qua tại Khóa 73 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/12/2018 với đa số thành viên Liên hợp quốc tán thành. Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận GCM và đang tích cực xây dựng kế hoạch triển khai Thỏa thuận phù hợp với pháp luật và điều kiện của Việt Nam.