Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Askawa; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, ngân hàng, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước cùng dự.
Trong 30 năm qua (1993 - 2023), quan hệ Việt Nam và ADB không ngừng được củng cố, phát triển; đặc biệt là sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực của ADB dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Tổng số vốn tài trợ ADB dành cho Việt Nam đến nay đạt gần 18 tỷ USD cho khoảng 600 chương trình, dự án trên nhiều lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, y tế, giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị... Đồng thời, ADB đã tài trợ 6,45 tỷ USD cho các giao dịch thương mại thông qua các ngân hàng thương mại ở Việt Nam.
Thông qua các khoản tài trợ không hoàn lại, hoạt động tư vấn chính sách, ADB đã hỗ trợ cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nghiên cứu và hoạch định chính sách.
Gần đây nhất, để ứng phó với đại dịch COVID-19, ADB đã hỗ trợ Việt Nam một số khoản viện trợ không hoàn lại hàng trăm triệu USD tài trợ thiết bị bảo hộ y tế; nâng cấp thiết bị y tế; sản xuất dược phẩm và cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nữ.
Chiều ngược lại, Việt Nam đã tận dụng, phát huy hiệu quả tốt nhất các hỗ trợ của ADB; vai trò tích cực, trách nhiệm của Việt Nam ngày càng được củng cố, nâng cao trong ADB cũng như trong quan hệ với các quốc gia thành viên thông qua các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác khu vực của ADB.
Phát biểu tại sự kiện, phân tích vai trò của tài chính đối với sự phát triển, nhất là trong bối cảnh Việt Nam trải qua thời gian dài kháng chiến, giành độc lập dân tộc và bị cấm vận, với nhiều đau thương, mất mát, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, đánh giá cao sự ủng hộ của ADB đối với Việt Nam, nhất là trong phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế..., đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; đồng thời tạo động lực, truyền cảm hứng cho các đối tác khác cùng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Nêu các bài học kinh nghiệm trong hợp tác; phân tích bối cảnh tình hình thế giới; thông tin về một số thành tựu phát triển nổi bật của Việt Nam sau hơn 35 năm đổi mới, cũng như trong năm 2023 và về các nền tảng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam phát triển đất nước trên 3 trụ cột chính là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việt Nam đang tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cấu hạ tầng; đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Xuyên suốt trong quá trình đó, Việt Nam lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam là đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc còn hạn chế… Do đó, cùng với hỗ trợ về vốn, Thủ tướng đề nghị ADB tham vấn chính sách cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, ADB tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng cho các đối tác khác hỗ trợ, hợp tác cùng Việt Nam phát triển.
Cho rằng, giai đoạn mới cần có tư duy, cách làm mới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên lựa chọn hợp tác các chương trình, dự án cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, giúp Việt Nam xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái để phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau. Trong đó, tập trung vào chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, chuyển sổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, năng lượng mới… Qua đó, giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, 30 năm qua Việt Nam - ADB đã hợp tác hiệu quả, mong muốn 30 năm tới hợp tác giữa Việt Nam - ADB sẽ hiệu quả hơn, trên tin thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. “Với sự chân thành, tình cảm từ trái tim đến trái tim, mọi vướng mắc sẽ được vượt qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và ADB thời gian tới sẽ không ngừng được củng cố, phát triển hơn nữa”, Thủ tướng tin tưởng.
* Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ngài Masatsugu Askawa, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam - ADB.
Chào mừng Chủ tịch ADB thăm Việt Nam, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi ADB là một trong những đối tác phát triển quan trọng, thân thiết, tin cậy. Thủ tướng cho biết sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Những thành tựu của Việt Nam có sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của ADB.
Cho rằng, sau 30 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - ADB ngày càng trưởng thành hơn về mọi mặt, Thủ tướng đề nghị trong giai đoạn mới, hợp tác giữa Việt Nam - ADB cần có đổi mới, tập trung cho đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm hơn; thể chế, thủ tục cần cải tiến hơn; với tư duy, cách làm mới hơn để mang lại hiệu quả cao hơn.
Cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian tiếp và dành lời đánh giá tốt đẹp về ADB, Chủ tịch ADB Masatsugu Askawa chúc mừng Việt Nam đạt được thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch ADB nhấn mạnh, thế giới hiện nay có nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu phát triển. ADB luôn quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; mong muốn cùng với Việt Nam xây dựng các dự án hợp tác hiệu quả.
Theo ông Masatsugu Askawa, ADB có thể có thể hỗ trợ Việt Nam nguồn tài chính triển khai các dự án chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, phát triển hạ tầng, hỗ trợ tư nhân tham gia các dự án đối tác hợp tác công; nâng cao kỹ năng của khu vực tư nhân; hỗ trợ phát triển các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. ADB mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ, thúc đẩy quá trình triển khai các dự án hợp tác nhanh hơn.
Đánh giá cao ý kiến của Chủ tịch ADB, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cá nhân Chủ tịch và ADB tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn chính sách, nhất là chính sách vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phù hợp với tình hình Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; hỗ trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam là nước thứ ba thông qua Tuyên bố JETP với các nước trong và ngoài Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7). Việt Nam đã ban hành Quy hoạch điện VIII và đang xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, qua đó sẽ có các chương trình dự án cụ thể.
Việt Nam đang thực hiện chống biến đổi khí hậu trong nhiều lĩnh vực, trong nhiều chương trình dự án cụ thể. Trong đó, Việt Nam xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp; triển khai các dự án phát triển xe ô tô điện…
Đánh giá cao những nỗ lực của ADB trong việc huy động nguồn lực lên tới 3 tỷ USD cho khoảng 23 dự án tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2026, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ADB phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam triển khai ngay các dự án cụ thể trong năm 2024.
Cho biết, Chính phủ giao một Phó Thủ tướng phụ trách và đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư công, về vốn ODA, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ADB phối hợp cùng Việt Nam hoàn thiện thể chế, thủ tục, nhằm giải ngân và thực hiện hiệu quả nguồn lực vốn vay ADB.
Đối với vấn đề còn vướng mắc về thủ tục miễn thuế, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ Tài chính sớm có những sửa đổi thủ tục theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với những cam kết của Việt Nam tại các điều ước quốc tế; trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hai bên cùng có lợi, hai bên cùng thắng.
Thủ tướng đề nghị thành lập Tổ công tác giữa Việt Nam và ADB để thúc đẩy các hợp tác về vốn, hỗ trợ chính sách cho Việt Nam.