Khu tưởng niệm Bác Hồ tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau là công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng thành kính của nhân dân Cà Mau đối với Bác. Theo quy hoạch, Khu tưởng niệm Bác Hồ gồm có các hạng mục công trình như gian thờ Bác Hồ; nhà xem phim và trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ; hệ thống cây xanh, hồ cá... Nơi đây sẽ trở thành địa điểm hội tụ truyền thống văn hóa tốt đẹp, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ quân, dân tỉnh Cà Mau.
Dự án cầu Đầm Cùng nằm trong tổng thể các dự án thành phần giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh. Dự án được đưa vào khai thác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực miền Tây Nam bộ nói chung. Cầu Đầm Cùng cùng với cầu Cần Thơ sẽ xóa việc sử dụng phà để vượt sông trên quốc lộ 1A, tạo thuận lợi cho thông thương và đi lại giữa các vùng miền, đồng thời tạo được mạng lưới giao thông hoàn chỉnh nối các vùng trọng điểm kinh tế, khu công nghiệp, khu dân cư... đáp ứng chiến lược phát triển giao thông vận tải và kinh tế - xã hội của khu vực phía nam Tổ quốc.
Dự án cầu Đầm Cùng được khởi công vào tháng 1/2009 có chiều dài tuyến trên 2.000 m, trong đó chiều dài cầu là 668 m và đường dẫn 2 đầu cầu là 1.380 m; bề rộng mặt cầu là 12 m. Cầu Đầm Cùng bắc qua sông Bảy Hạp nối liền hai huyện Cái Nước và Năm Căn của tỉnh Cà Mau (điểm đầu của dự án thuộc địa phận xã Trần Thới, huyện Cái Nước; điểm cuối của dự án thuộc địa phận xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn). Tổng mức đầu tư của dự án cầu Đầm Cùng là trên 350 tỷ đồng.
Phát biểu tại Lễ khánh thành cầu Đầm Cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nằm trong tổng thể các dự án thành phần giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh, dự án cầu Đầm Cùng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực miền Tây Nam Bộ nói chung, vì đây là cây cầu nối 2 bờ bắc - nam của tỉnh Cà Mau và cũng là điểm cuối đưa đường Hồ Chí Minh về với mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải theo chức năng, nhiệm vụ phải tập trung thực hiện với kết quả cao nhất những mục tiêu, định hướng về phát triển hạ tầng giao thông mà Nghị quyết Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đã đề ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong vùng có các phương án hiệu quả, quan tâm tới việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm trong vùng, góp phần hình thành khung đường bộ, các trục giao thông chính quan trọng của cả nước, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới.
* Sau hơn 40 tháng triển khai thực hiện dự án, sản phẩm thương mại đầu tiên của Nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức được công bố ngày 30/1. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tham dự sự kiện này.
Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau (xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) là một trong các dự án thành phần của cụm dự án khí - điện - đạm Cà Mau được xây dựng theo Quyết định đầu tư số 1218/QĐ - TTg ngày 10/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ với mục đích bảo đảm cung cấp ổn định phân đạm cho phát triển của đất nước đến năm 2025. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, nằm trong chiến lược phát triển của ngành Dầu khí đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025.
Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau được triển khai xây dựng từ tháng 7/2008 với tổng mức đầu tư được duyệt khoảng 780 triệu USD trong đó giá trị hợp đồng EPC là 563 triệu USD. Hiện nay, Ban quản lý dự án và nhà thầu đang tập trung tối đa nhân lực, quyết tâm bàn giao nhà máy vào tháng 2/2012 theo đúng tiến độ. Khi Nhà máy Đạm Cà Mau đi vào vận hành ổn định 100% công suất sẽ cung cấp 800.000 tấn urê mỗi năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phân urê của cả nước, góp phần ổn định thị trường phân bón trong nước.
Cùng với đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau, Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, Nhà máy Đạm Cà Mau là hợp phần cuối cùng của Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau. Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau đi vào hoạt động đồng bộ sẽ tạo ra giá trị sản lượng công nghiệp trên 34.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm trực tiếp cho gần 1.200 lao động, trong đó phần lớn là lao động địa phương...
Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương sự nỗ lực, tinh thần vượt khó, hăng say lao động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nhà thầu... trong việc đảm bảo triển khai thực hiện đúng tiến độ dự án Nhà máy Đạm Cà Mau; cho rằng việc đưa nhà máy Đạm Cà Mau đi vào sản xuất là bước đi đúng đắn và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp phân bón, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí nói chung và cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau nói riêng cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được,vận hành hiệu quả cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tỉnh Cà Mau, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ban quản lý Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau tiếp tục chăm lo giải quyết tốt việc làm, đời sống cho đồng bào địa phương, nhất là đối với hơn 1.400 hộ dân đã chấp hành đúng chính sách, di dời để bàn giao mặt bằng cho xây dựng cụm công nghiệp này; đồng thời, khẩn trương rà soát, bổ sung qui hoạch, kế hoạch phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp mới, đưa Cà Mau và các tỉnh đồng bằng châu thổ sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững.
Thiện Thuật