Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và tỉnh Bình Thuận.
Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ làm chủ đầu tư có tổng diện tích hơn 1.000 ha, tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 sở hữu vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp với các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 55, Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; dễ dàng tiếp cận với hạ tầng đường hàng không, đường thủy nội địa và quốc tế; là cửa ngõ liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đây là một trong những khu công nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường đầu tiên tại Bình Thuận nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói chung, là điểm sáng về thu hút đầu tư của tỉnh, cũng như góp phần vào sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam.
Ông Lê Quang Hiếu, Phó Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Sơn Mỹ cho biết, Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 lấy phát triển năng lượng làm trung tâm và được đầu tư phát triển là Khu công nghiệp thông minh, từ đó khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý cũng như tiềm năng của dự án. Khi đi vào hoạt động Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 được kỳ vọng trở thành tâm điểm phát triển kinh tế phía nam Bình Thuận và khu vực lân cận…
Phát biểu tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tiếp nối truyền thống “tự lực, tự cường”, đoàn kết, vượt khó, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, thách thức, tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Cơ sở hạ tầng của Bình Thuận được đầu tư phát triển tốt hơn. Bình Thuận hiện đang được Trung ương đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Vĩnh Hảo, sân bay Phan Thiết, cải tạo và nâng cấp Quốc lộ 55, Cảng nước sâu và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 sẽ là điều kiện thuận lợi để Bình Thuận kêu gọi đầu tư phát triển toàn diện trên tất cả các mặt.
Thủ tướng cho rằng, lễ khởi công xây dựng mới chỉ là bước khởi đầu. Để đưa Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 đi vào hoạt động, thu hút, lấp đầy các nhà đầu tư thứ cấp còn rất nhiều việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề. Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật; triển khai thi công bảo đảm an toàn, đảm bảo các vấn đề về môi trường, hoàn thành với chất lượng công trình tốt nhất và đúng tiến độ.
“Chúng ta phải thực hiện trên tinh thần: không nói có mà không làm; nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật, người dân được hưởng thành quả thật”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại. Do đó, công nghiệp trong thời gian tới cũng phải được xây dựng theo hướng hiện đại.
Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Qua đó, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế số, nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.
Bình Thuận là nơi “biển xanh, cát trắng, nắng vàng”, có tiềm năng lớn phát triển năng lượng xanh. Do đó, tỉnh cần thu hút đầu tư phát triển năng lượng xanh.
Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư Khu công nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật; nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư vào sản xuất các trang thiết bị phục vụ phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo; phục vụ phát triển xanh, phát triển bền vững. Bên cạnh đó đảm bảo an sinh xã hội cho người dân vùng sự án; tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành đóng vai trò kiến tạo để địa phương, các nhà đầu tư phát triển thuận lợi, đúng quy định; tỉnh Bình Thuận quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của Khu công nghiệp; đảm bảo các hạ tầng đầu nối vào khu công nghiệp; tạo cơ chế chính sách thông thống, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ hết sức ủng hộ, tiếp tục đồng hành và hỗ trợ để chủ đầu tư, tỉnh Bình Thuận hoàn thành Dự án có ý nghĩa quan trọng này, để Bình Thuận phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn, đóng góp tích cực vào phát triển của khu vực cực Nam Trung Bộ và cả nước.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng một số hạng mục dự án Cảng hàng không Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Cảng hàng không Phan Thiết tại xã Thiện Nghiệp, phía Đông Bắc thành phố Phan Thiết, cách trung tâm thành phố khoảng 19 km và cách khu du kịch Hàm Tiến, Mũi Né chỉ khoảng 8 km.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh, sân bay Phan Thiết là Cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay lưỡng dụng, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Đến nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng sân bay và đài dẫn đường đã hoàn thành; các nhà thầu đang khẩn trương san lấp mặt bằng, thi công đường băng, đường lăn; nhà đầu tư và các đơn vị liên quan đang phối hợp triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành, đơn vị đầu tư, nhà thầu phối hợp thúc đẩy các bước xây dựng dự án, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công; triển khai theo quy hoạch; đầu tư cảng hàng không Phan Thiết theo hướng hiện đại, phát triển lâu dài theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại tổng mức đầu tư hạng mục nhà ga và năng lực chủ đầu tư BOT, nếu phù hợp thì tiếp tục thực hiện, nếu không đáp ứng thì đấu thầu công khai minh bạch để các hạng mục, các công trình được triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, giảm giá thành. Cùng với quy hoạch sân bay tiến hành quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng liên quan, kết nối liên thông và các công trình, dịch vụ phụ trợ đồng bộ.
Thủ tướng chỉ đạo ngay tại công trường xử lý các vướng mắc về giải phóng mặt bằng; mỏ vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng dự án; giải quyết khu vực chồng lấn giữa khai thác, chế biến titan và xây dựng sân bay.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Bình Thuận tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án, để đến hết năm 2023 hoàn thành đưa sân bay vào sử dụng.