Thủ tướng dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân

Trong hai ngày 26 và 27/3, tại thủ đô Xơun, Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân (NSS) lần thứ 2.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến an ninh, an toàn hạt nhân, trong đó có sự cố hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản, làm gia tăng lo ngại quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân, thậm chí là xét lại việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân. Kết thúc hội nghị, các nước đã nhất trí thông qua Thông cáo chung thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên 11 vấn đề lớn, gồm: Cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, vai trò của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), vật liệu hạt nhân, các nguồn phóng xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, an ninh vận chuyển, chống buôn lậu, giám định hạt nhân, văn hóa an ninh hạt nhân, an ninh thông tin và hợp tác quốc tế. Hội nghị quyết định NSS tiếp theo sẽ được tổ chức tại Hà Lan vào năm 2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự phiên họp toàn thể với chủ đề "Các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh hạt nhân và cam kết tương lai". Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, xuất phát từ quan điểm nhất quán sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn, an ninh và đóng góp thiết thực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã và đang tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý, hạ tầng an toàn, an ninh và tham gia các điều ước quốc tế, các sáng kiến liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả những cam kết của mình, đặc biệt là từ sau Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ nhất.

Nhiều biện pháp cụ thể của Việt Nam đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cao tại hội nghị, như việc đang hoàn tất thủ tục nội bộ gia nhập Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân; hợp tác có hiệu quả với IAEA, Mỹ và Nga trong việc hoàn tất việc chuyển đổi nhiên liệu urani có độ giàu cao (HEU) sang loại có độ giàu thấp (LEU) tại lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và ký hiệp định với Liên bang Nga ngày 16/3/2012 về việc đưa nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng trở lại Nga; hợp tác có hiệu quả với Mỹ trong Sáng kiến thực hiện những biện pháp bảo đảm an ninh cho các cơ sở bức xạ có nguồn phóng xạ hoạt độ cao, Sáng kiến ngăn chặn vận chuyển bất hợp pháp vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác, Sáng kiến giảm thiểu nguy cơ phóng xạ toàn cầu (GTRI); đồng thời đang đàm phán với Mỹ tiến tới ký kết Hiệp định hợp tác về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (Hiệp định 123). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động của Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và đang tích cực xem xét để phê chuẩn Nghị định thư bổ sung (AP).
Về hợp tác khu vực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam đang tích cực cùng với các thành viên ASEAN khác tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân, trong đó có việc khuyến khích các nước có vũ khí hạt nhân sớm tham gia ký Nghị định thư của Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Về các biện pháp giải quyết vấn đề an toàn và an ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân là những nhân tố quan trọng nhất để giảm nguy cơ đối với an ninh và an toàn hạt nhân, trong khi mỗi quốc gia cũng có quyền chính đáng trong việc sử dụng năng lượng và công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Các khác biệt và bất đồng về vấn đề này phải được giải quyết trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bằng các biện pháp hòa bình, có tính tới lợi ích chính đáng của mỗi nước.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam phát triển chương trình điện hạt nhân nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia; đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của IAEA và các nước như Nga, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc..., giúp Việt Nam thực hiện những bước đi đầu tiên của chương trình này.

Cùng với lãnh đạo các nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhất trí thông qua Thông cáo chung của hội nghị; khẳng định những phương hướng và biện pháp tổng thể nêu trong Thông cáo chung là các cam kết chính trị sẽ được các nước thực hiện trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với khả năng của mình; khẳng định quan điểm của Việt Nam mong muốn thúc đẩy sự hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia và phát huy vai trò trung tâm của các thể chế đa phương toàn cầu như Liên hợp quốc, IAEA trong việc bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân; tăng cường mối liên kết giữa hệ thống ứng phó an ninh an toàn hạt nhân quốc tế và hệ thống điều phối nhân đạo quốc tế để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp các nhà lãnh đạo các nước

Ngày 27/3, bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2 tổ chức tại Xơun, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc trao đổi ngắn với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo nhất trí đánh giá quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và các nước đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhất trí lãnh đạo hai nước cần quan tâm thúc đẩy triển khai các thỏa thuận đã đạt được. Tổng thống Medvedev nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng hạt nhân. Thủ tướng Noda mong muốn đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nhật Bản tham dự Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản tháng 4/2012. Thủ tướng Manmohan Singh mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Ấn Độ, kết hợp tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ cuối năm 2012.

Cùng ngày 27/3, bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ 2, Thủ tướng nước ta đã tiếp Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistoe, Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard, Thủ tướng Niu Dilân John Key, Phó Thủ tướng Vương quốc Anh Nick Clegg và Thủ tướng Pakixtan Yousaf Raza Gillani.

Tiếp Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning Schmidt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc hai nước chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng và tăng trưởng xanh. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định nguồn vốn ODA của Đan Mạch được sử dụng hiệu quả tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Đan Mạch trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, môi trường, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới,... của Việt Nam.

Thủ tướng Helle Thorning Schmidt cho rằng việc Đan Mạch-Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực biến đổi khí hậu sẽ là cơ sở để hai bên tăng cường hợp tác mạnh mẽ, nhất là giúp Việt Nam khai thác tốt hơn tiềm năng và thế mạnh của Đan Mạch trong các lĩnh vực trên, đồng thời qua đó tiếp tục đưa quan hệ hợp tác hai nước phát triển sâu rộng, hiệu quả, ổn định, lâu dài và bền vững trên tất cả các lĩnh vực khác. Thủ tướng Helle Thorning Schmidt đề nghị Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Đan Mạch đến đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả và cùng có lợi trong những lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như cảng biển và dịch vụ hàng hải, bia rượu - nước giải khát, xi măng, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh...

Gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ với EU trên cơ sở đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài vì hòa bình và phát triển của khu vực và thế giới.
Để phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, việc làm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị EU có cách tiếp cận phù hợp, linh hoạt để hai bên có thể sớm chính thức khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam...

Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đều bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ EU-Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh chóng và tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và hợp tác phát triển. Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đều khẳng định sự ủng hộ trong việc tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa EU với Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tiếp Tổng thống Phần Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngài Tổng thống tiếp tục ủng hộ các chương trình hợp tác giữa hai nước, dành ưu tiên viện trợ phát triển cho Việt Nam trong các lĩnh vực cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu và lâm nghiệp… Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistoe cho rằng hai bên cần tích cực phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (25/1/1973 - 25/1/2013).

Tiếp Thủ tướng Ôxtrâylia Julia Gillard, hai thủ tướng bày tỏ hài lòng về các cơ chế hợp tác giữa hai nước đang được triển khai hiệu quả; đề nghị hai bên tiếp tục duy trì các cơ chế nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và mở rộng cơ hội hợp tác. Hai thủ tướng nhất trí giao cho các cơ quan chức năng hai nước phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2013 bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả, qua đó góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện tốt đẹp và làm sâu rộng hơn nữa hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực cụ thể.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Niu Dilân, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ hài lòng trước mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Niu Dilân đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tích cực triển khai Chương trình Hành động 2010-2013, đồng thời rà soát, chuẩn bị xây dựng Chương trình Hành động cho giai đoạn sau. Thủ tướng cũng đề nghị hai bên phối hợp tổ chức tốt kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế - thương mại trong năm nay, xúc tiến đàm phán, sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, xúc tiến ký kết Thỏa thuận hợp tác về giáo dục - đào tạo cho giai đoạn mới, triển khai tích cực Chương trình Lao động kỳ nghỉ mà hai bên vừa ký kết.

Thủ tướng John Key mong muốn hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ và phối hợp lập trường tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, tăng cường trao đổi đoàn quốc phòng; xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực hậu cần và công nghiệp quốc phòng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Niu Dilân đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng John Key đề nghị đẩy mạnh triển khai Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ôxtrâylia - Niu Dilân (AANZFTA), xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, lao động...

Tiếp Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, hai bên tiếp tục tăng cường đối thoại, hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về các vấn đề cùng quan tâm tại các cơ chế song phương và các diễn đàn đa phương, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và giáo dục… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Anh tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong việc phát triển trường Đại học Việt-Anh thành trường đại học tiêu biểu, có đẳng cấp quốc tế cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam học tập tại Anh.

Phó Thủ tướng Nick Clegg đề nghị trong thời gian tới, hai bên cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư của nhau hoạt động, kinh doanh có hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực này, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4 tỷ USD vào năm 2013.

Trong cuộc tiếp Thủ tướng Pakixtan Yousaf Raza Gillani, hai bên đều bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, trong đó kim ngạch thương mại tiếp tục tăng nhanh, đạt 325 triệu USD vào năm 2011. Hai thủ tướng đánh giá cao việc các bộ, ngành hai nước đang tích cực thảo luận, tiến tới ký kết một số hiệp định về xúc tiến và bảo hộ đầu tư, về phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm…, nhất trí tăng cường hợp tác quốc tế và những lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh.

Thiện Thuật

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN