Thủ tướng chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hạ tầng Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 16/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Hội nghị phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự có các Phó thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo 12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh, thành phố liên quan; đại diện các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cách đây 3 tháng, cũng tại Cần Thơ, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Thủ tướng có ít nhất 5 lần trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các công trình giao thông trọng điểm. Điều này thể hiện sự quan tâm của Trung ương đối với phát triển hạ tầng giao thông nói riêng và phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Chỉ rõ vai trò của hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, dựa vào đổi mới sáng tạo phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Chính phủ phạm Minh Chính cho rằng, phải phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin - cho, với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước, xây dựng kế hoạch, chương trình, luật pháp, cơ chế chính sách, công cụ quản lý, giá sát, kiểm tra…

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ cho biết, hội nghị hôm nay nhằm kiểm điểm, rà soát tình hình triển khai các công trình, dự án, nêu rõ những công việc đã làm được và chưa làm được; bài học kinh nghiệm; những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, cung ứng vật liệu san lấp, cấp phát vốn, giải ngân, tiến độ triển khai các dự án…, với tinh thần khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó; xác định trách nhiệm của ai; cơ quan, đơn vị nào phải tháo gỡ; với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẳng định rõ về việc: Còn khó khăn, vướng mắc hay không? Nếu còn thì phải chỉ rõ là gì và có cách giải quyết dứt điểm. Trong đó yêu cầu: Bộ Giao thông vận tải báo cáo tình hình triển khai các dự án; Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo rõ về tình hình vật liệu xây dựng, đủ hay còn thiếu, nguyên nhân do đâu, cần giải pháp gì?; Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về tình hình cân đối, bố trí vốn và về các dự án phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Các địa phương thiếu vật liệu san lấp đến nay còn khó khăn không? Nếu còn thì ai chịu trách nhiệm?; Các địa phương có nguồn vật liệu san lấp đã cung ứng cho các dự án như thế nào?.

Thủ tướng cũng yêu cầu các ban quản lý, nhà thầu, tư vấn báo cáo rõ còn có vướng mắc gì không? Cần giải pháp gì? Có đơn vị nào gây khó khăn về cung ứng vật liệu, về giải phóng mặt bằng, về thi công hay không?...

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm báo cáo tình hình triển khai các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Bộ Giao thông vận tải, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ. Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km là các dự án đường bộ cao tốc: Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Cao Lãnh - An Hữu; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Hai dự án cầu, đường bộ khác là: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận và Dự án cầu Rạch Miễu 2.

Riêng dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án Cao Lãnh - An Hữu và dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành năm 2027.

TTXVN tiếp tục cập nhật thông tin về Hội nghị.

Phạm Tiếp (TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông dân là chủ thể 'Cuộc cách mạng lúa gạo'
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nông dân là chủ thể 'Cuộc cách mạng lúa gạo'

Chiều 15/10, tại thành phố Cần Thơ, chủ trì Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu phải xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi và xác định người dân phải là chủ thể trong triển khai Đề án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN