Diễn đàn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức.
Tại diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hai nước đã điểm lại chặng đường phát triển hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản; đồng thời nêu bật những tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu, khả năng của mỗi bên; trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm để thúc đẩy lĩnh vực hợp tác này hiệu quả hơn nữa. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau 30 năm hợp tác lao động, hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2023 số lượng lao động Việt Nam cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng người đi hằng năm sang Nhật Bản (dự kiến khoảng 85.000) và số lượng đang làm việc tại Nhật Bản (trên 300.000 người). Việt Nam cũng là nước đứng đầu cả về số lượng sang làm việc hằng năm cũng như tổng số đang làm việc tại Nhật Bản trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản.
Phát biểu tại diễn đàn, đánh giá cao ý nghĩa của việc tổ chức diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam và Nhật Bản đã trải qua 50 năm phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ, “kết nối từ trái tim đến trái tim”, trong đó có kết nối trong lĩnh vực hợp tác lao động; tin tưởng kỷ niệm 100 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản mức độ hợp tác, tình cảm, sự kết nối giữa hai nước sẽ gấp nhiều lần hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản với hơn 500.000 người, trên 300.000 người đang làm việc tại Nhật Bản và đang tiếp tục tăng lên đang góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Nhật Bản, trở thành những cây cầu kết nối quan hệ bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mỗi quốc gia muốn phát triển phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó con người đóng vai trò quan trọng, có yếu tố quyết định. Lao động trong thời kỳ mới phải có năng lực chuyên môn, kỹ năng, có phẩm chất, sức khỏe… đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, Việt Nam là nước đang phát triển, để thích ứng với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, của khoa học kỹ thuật đòi hỏi việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác lao động với Nhật Bản phải có hướng đi thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hướng tới tuyển dụng và phái cử những lao động có kỹ năng, có trình độ, có khát khao học hỏi để bắt kịp sự phát triển của thời đại ở một số lĩnh vực ngành nghề Nhật Bản có thế mạnh như bán dẫn, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trong nông nghiệp, xây dựng hệ thống công trình ngầm xử lý nước thải, môi trường đô thị... từ đó, hình thành lực lượng lao động được đào tạo thông qua làm việc thực tế tại Nhật Bản để góp phần phát triển ngành nghề đó tại Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cùng với sửa đổi chính sách pháp luật của phía Nhật Bản hiện nay về lĩnh vực đào tạo, tiếp nhận lao động nước ngoài, Nhật Bản cần đi đầu trong việc đào tạo nhân lực quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững và thực sự “cùng thắng” giữa các bên.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều lao động Việt Nam đã coi Nhật Bản là quê hương thứ hai của mình, chấp nhận rời xa gia đình, người thân, sang Nhật Bản làm việc với nhiều hy vọng cho tương lai tốt đẹp hơn: có thu nhập cao, có cơ hội học hỏi và nâng cao chất lượng cuộc sống, được sống trong một môi trường hiện đại với bản sắc văn hoá Nhật Bản… Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các cơ quan chức năng của Nhật Bản, phía Việt Nam là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp tốt với nhau để tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho người lao động Việt Nam; giảm thiểu rủi ro phát sinh, sự bất bình đẳng, tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa, để người lao động có thể an tâm học tập, làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại, từ đó giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành liên quan phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, làm việc tích cực với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản để khơi thông các điểm nghẽn, giải quyết các bất cập như vấn đề miễn giảm thuế thu nhập, thuế cư trú của người lao động Việt Nam; thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác lao động giữa hai bên, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng và địa phương Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước; sớm triển khai hình thức du lịch học tập, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, trở thành cầu nối và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Đối với các thực tập sinh, lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng sẽ tận dụng tốt cơ hội sống và làm việc tại Nhật Bản, học tập được nhiều kiến thức và kỹ năng của một đất nước phát triển, học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và đức tính tốt đẹp của con người Nhật Bản để sau này khi trở về Việt Nam sẽ trở thành những doanh nhân, những người lao động có kỹ năng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời, tuân thủ, chấp hành nghiêm luật pháp của Nhật Bản, không ngừng rèn luyện đạo đức, có cuộc sống vui tươi, lành mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; góp phần vun đắp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.