Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đồng chủ trì Hội nghị.
Chưa bảo đảm tiến độ Dự án 513
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, sau 8 năm triển khai Dự án 513, Bộ Nội vụ đã giải quyết và trình cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm được 15/16 khu vực chồng lấn địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại; có nhiều văn bản hướng dẫn công tác triển khai thực hiện Dự án tại các địa phương. Bộ Tài chính đã phân bổ và hướng dẫn nguồn kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện Dự án cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuyển vẽ đường biên giới quốc gia, đường địa giới hành chính trên bản đồ địa giới hành chính, bàn giao bản đồ nền địa hình hệ tọa độ Quốc gia VN-2000 trên đất liền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và xây dựng được phương án kỹ thuật xác định ranh giới quản lý hành chính biển, đảo giữa các địa phương có biển.
Các địa phương giải quyết được hàng nghìn khu vực chồng lấn địa giới hành chính các cấp mới phát sinh trong quá trình quản lý địa giới hành chính, trong đó có 225/269 khu vực cấp tỉnh, 475/493 khu vực cấp huyện và 3.686/3.787 khu vực cấp xã. Trên cơ sở đó, xây dựng và hoàn thiện được 28.145 mốc địa giới hành chính, thành lập được 55.041 mảnh bản đồ địa giới hành chính các cấp ở các tỷ lệ khác nhau và lập được hồ sơ, bản đồ địa giới của 9.083/10.614 đơn vị hành chính cấp xã, 601/707 đơn vị hành chính cấp huyện và 56/63 đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền nêu thực tế, người dân địa phương này phải đi nhờ sang đất của Hòa Bình để đến các địa phận hành chính của mình. Ông đề nghị Bộ Nội vụ sớm triển khai Nghị quyết số 77-NQ/CP của Chính phủ về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa tại khu vực Vạn Mai do lịch sử để lại và bàn giao cho Hòa Bình đường giao thông mà tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư cùng nhiều vấn đề có liên quan.
Phó Chủ tịch Thường trực Thanh Hóa cho biết, vừa qua số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh sắp xếp lớn nên phải điều chỉnh lại. Do đó, Bộ Nội vụ cần thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện và bố trí ngân sách để triển khai.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, việc thực hiện Dự án 513 vướng nhiều khó khăn, lộ trình Thủ tướng Chính phủ đặt ra là từ 2012 - 2016 phải kết thúc nhưng các địa phương không thực hiện được và phải tiếp tục gia hạn đến năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay cũng chỉ mới thực hiện được ở 13/63 tỉnh, thành phố. Như vậy là quá chậm, tồn đọng quá lớn. Sau cuộc họp này, 3 Bộ: Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cần ngồi lại với nhau để xem xét cách thức triển khai thực hiện xử lý các vướng mắc phát sinh, đề xuất của địa phương. Trên cơ sở đó, thống nhất đề nghị Chính phủ gia hạn thêm thời gian thực hiện, bởi, chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2020.
Bộ trưởng cho rằng tiến độ dự án từ năm 2012 đến nay là quá chậm, cần tìm ra giải pháp khả thi nhất để khẩn trương tiến hành trên cơ sở các bộ tính toán, xem xét những khó khăn, những lý do chủ quan, khách quan, phân tích cụ thể để trình cấp có thẩm quyền gia hạn thời gian thực hiện.
Khó khăn trong sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư
Về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, đã tiến hành sắp xếp đối với 18 huyện, 1.027 xã, qua đó, giảm được 6 huyện và 546 xã. Dự kiến tại các huyện mới hình thành sẽ bố trí đúng quy định 1.062 cán bộ, công chức, số dôi dư là 428 người. Tại các xã mới hình thành sẽ bố trí 10.043 cán bộ, công chức và 8.816 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; số cán bộ, công chức dôi dư là 9.534 người và số người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 6.913 người. Dự kiến giảm chi cho ngân sách Nhà nước do giảm chi tiền lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới khoảng 1.431 tỷ đồng.
Song, vẫn còn một số tỉnh, thành phố tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chậm so với lộ trình kế hoạch đề ra. “Nhiều huyện, xã mới hình thành sau khi sắp xếp vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, nhưng nhiều địa phương chưa lý giải rõ được các yếu tố đặc thù nên không thể sắp xếp thêm đơn vị hành chính khác liền kề”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.
Ông cũng chỉ ra việc sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư khi thực hiện sắp xếp huyện, xã gắn với công tác nhân sự đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 còn gặp một số khó khăn.
Bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng cho biết, thực hiện Nghị quyết 653, địa phương này đã giảm được 3 huyện (từ 13 xuống còn 10 huyện) và 38 xã (199 xã xuống còn 161 xã). Tổng số cán bộ, công chức của 6 huyện trước khi sáp nhập là 653 người. Đến nay, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu và điều động chuyển công tác 143 người, số dôi dư sau sắp xếp còn 60 người.
Đối với cấp xã, trong 76 xã thuộc diện sắp xếp có 1.516 người, số bố trí chức danh cán bộ, công chức cấp xã (bao gồm cả Công an chính quy được bố trí về xã) chỉ là 772 người. Hiện đã giải quyết nghỉ việc theo các chế độ của nhà nước 190 người, số dôi dư là 519 người, chủ yếu ở các chức danh trưởng các đoàn thể ở cấp xã và công chức. Số cán bộ không chuyên trách ở các xã này là 908 người, sau sáp nhập đã bố trí cho 451 người, giải quyết chế độ nghỉ việc 1 lần cho 457 người. Bà đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách tinh giản biên chế đến hết năm 2020 đối với các địa phương thuộc diện sáp nhập huyện, xã.
Đối với Nghệ An, ông Trần Quốc Chung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, tổng số cán bộ, công chức cần sắp xếp ở tỉnh này là 715 người, đã bố trí được ngay 310, còn dôi dư 405 người. Địa phương đang tiến hành bố trí cho số cán bộ dôi dư này, trong đó, giải quyết cho nghỉ hưu, thôi việc, luân chuyển 107 người, còn phải giải quyết tiếp cho 298 người. Với yêu cầu đến hết năm 2021 phải giải quyết xong cho số cán bộ dôi dư là rất khó khăn. Nghệ An đề nghị cho phép kéo dài thời gian sắp xếp số cán bộ, công chức dôi dư đến năm 2025.
Giám đốc Sở Nội vụ Phú Thọ Ngô Đức Thịnh thông tin, sau sáp nhập, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư 856 người. Nếu thực hiện đưa Công an chính quy về xã và thực hiện theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), số dôi dư sẽ lên đến hơn 1.000 người, điều này sẽ không thể giải quyết xong trong năm 2021. Phú Thọ đề nghị thực hiện giải quyết cho số này theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP (về chính sách tinh giản biên chế) đến hết năm 2024, cho cán bộ, công chức dôi dư được điều động, luân chuyển ở trong cùng 1 huyện với các xã không chịu sự sáp nhập.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định, việc giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư phải đảm bảo đúng Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021), đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức. Đội ngũ cán bộ, công chức ở các huyện, xã sáp nhập một phần bố trí vào trong đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, số dôi dư thực hiện theo các quy định về tinh giản biên chế, thôi việc, nghỉ chờ giải quyết chế độ hưu, xem xét chuyển thành công chức từ cấp huyện trở lên nếu đủ điều kiện, hoặc bố trí sang các xã khác khi còn chỉ tiêu…
“Nếu chúng ta chuyển sớm, sắp xếp sớm, rút ngắn thời gian sắp xếp thì gánh nặng ngân sách phải chi trả cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư càng giảm. Cần tính toán giải pháp để vừa ích nước, mà vẫn đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức. Họ không phải ngồi chơi mà vẫn nhận lương. Giải quyết dứt điểm để họ tìm vị trí công tác khác”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.