Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả hoạt động của Vườn ươm, đây là nơi ươm tạo quan trọng cho Cần Thơ nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc được đánh giá là mô hình mới, phục vụ nhân dân, sinh viên thực tập ở các lĩnh vực cơ khí, chế biến thủy sản...
Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc là vườn ươm đầu tiên ở Việt Nam. Bảy năm qua, Vườn ươm đã vượt qua nhiều khó khăn để hoạt động.
Trước những khó khăn Vườn ươm đã và đang trải qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu UBND thành phố Cần Thơ tháo gỡ trong khả năng của thành phố. Đối với những lĩnh vực ngoài khả năng, thành phố kiến nghị Trung ương hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất của Vườn ươm.
Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm thu hút, mời gọi doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Vườn ươm; tăng cường quan hệ, hợp tác với các tỉnh trong vùng để khai thác, ươm tạo lĩnh vực thế mạnh về nông, thủy sản, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, gắn với mở rộng thị trường. Cùng với đó, thành phố quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Vườn ươm; từng bước mở rộng quy mô hoạt động để hỗ trợ không chỉ cấp vùng mà còn tiến xa ra phạm vi cả nước và trong khu vực.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận những kiến nghị về khó khăn của Vườn ươm, chuyển cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Dự án Vườn ươm được Chính phủ Hàn Quốc - Việt Nam triển khai năm 2011, khởi công xây dựng ngày 23/11/2013, khánh thành ngày 14/11/2015. Tổng số vốn đầu tư của dự án là 21,13 triệu USD, trong đó vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 3,43 triệu USD, Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 17,7 triệu USD để hỗ trợ đầu tư, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật công trình Vườn ươm trên diện tích 2 ha phục vụ nghiên cứu sản xuất ba ngành là chế biến nông sản, chế biến thủy sản, cơ khí chế tạo.
Đến nay, Vườn ươm đã và đang hỗ trợ 11 doanh nghiệp tham gia ươm tạo tại Vườn. Vườn đang tiếp nhận 6 hồ sơ tham gia ươm tạo; hỗ trợ trên 3.000 sinh viên đến thực tập, các địa phương nghiên cứu sản phẩm OCOP...
Mặc dù, tiềm năng, lợi thế phát triển của Vườn ươm lớn nhưng hiện nay đơn vị còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế sự phát triển.
Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ kiến nghị, Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn, điều chỉnh hoặc thay thế Quyết định số 1193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020 để Vườn ươm có cơ sở pháp lý hoạt động trong giai đoạn mới.
Các bộ, ngành liên quan sớm thống nhất việc mở rộng ngành nghề lĩnh vực ươm tạo theo hướng đa ngành, gắn với tập trung phát triển ba ngành (chế biến nông sản, chế biến thủy sản và cơ khí chế tạo) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm khai thác, vận hành hiệu quả Vườn ươm theo các giải pháp của Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.