Trải qua thời gian lịch sử, đi đôi với nhiều khó khăn, thách thức là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Thủ đô vượt qua bao chông gai để gặt hái được nhiều chiến tích vẻ vang. Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính trị, bởi Hà Nội là Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và là trung tâm hành chính, trái tim của cả nước.
Theo đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, bằng sự hy sinh lớn lao của lớp lớp thế hệ người đi trước; bằng sự đoàn kết một lòng và sự lãnh chỉ đạo tài tình của lãnh đạo Đảng bộ qua các thời kỳ đã giúp cho Hà Nội lớn mạnh hàng ngày.
Giai đoạn 1975-1985, cả nước cùng Hà Nội lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ gắn với chế độ bao cấp vốn thích ứng với thời kỳ chiến tranh, thì nay không còn phù hợp nữa. Trong bối cảnh đó, Thành ủy Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới tư duy, phong cách làm việc, vừa lo lãnh đạo giải quyết những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa chỉ đạo sửa đổi, tìm tòi cơ chế, chính sách mới để khắc phục tình trạng trì trệ, tạo tiền đề để Hà Nội bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Bắt đầu từ Đại hội X Đảng bộ thành phố (tháng 8/1986) đến tháng 8/2008, Đảng bộ thành phố đã cùng toàn Đảng bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng, phát triển, hoàn thiện cơ chế kinh tế mới, từng bước đưa Hà Nội ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X và các nghị quyết Đại hội sau đó.
Thực hiện chủ trương của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (tháng 1/2008) và tiếp đó là Nghị quyết 15 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII, từ 1/8/2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính để đáp ứng nhu cầu xây dựng Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngang tầm với một Thủ đô của một đất nước 100 triệu dân trong tương lai gần và 120 triệu dân trong tương lai không xa.
Theo định hướng đó, Thủ đô Hà Nội đang phấn đấu vươn lên vị thế mới, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời tâm nguyện của Bác Hồ. Tăng trưởng GRDP luôn duy trì ở mức cao, bình quân hơn 7%/năm, thu ngân sách bảo đảm, xuất khẩu tăng, môi trường đầu tư kinh doanh tích cực được cải thiện (chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63) hoàn thành sớm 2 năm mục tiêu nhiệm kỳ; thu hút đầu tư nước ngoài luôn dẫn đầu cả nước (năm 2019 đạt 8,05 tỷ USD mức cao nhất trong 30 năm đổi mới và hội nhập); an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao hàng năm…
Để có được những kết quả, thành quả rất đáng tự hào, vẻ vang trên của Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập cũng là lúc cần đánh giá về những bước đi, dấu mốc lịch sử, bài học kinh nghiệm và thành quả đạt được trong chặng đường dài đã qua.
Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, có 4 thành tựu nổi bật ngày nay cần ghi nhớ: Một là, Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 là đỉnh cao cuộc đấu tranh của nhân dân cả nước diễn ra ở Hà Nội.
Nắm bắt thời cơ đến, bằng sự nhạy bén, năng động, sáng tạo, chỉ với gần 50 đảng viên của Đảng bộ, song sức mạnh của cách mạng đã nhân lên gấp bội khi Đảng bộ đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhất tề đứng dậy, giành chính quyền về tay nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội là kinh nghiệm thực tiễn quý giá để Đảng ta kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 thắng lợi trong cả nước, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Hai là, Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ của Trung ương và Hà Nội.
Hà Nội đã mở đầu toàn quốc kháng chiến với ý chí: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đã sáng tạo nhiều hình thức chiến đấu, làm tiêu hao lực lượng địch và kìm chân chúng ở Thủ đô, chặn đứng mưu toan “Đánh nhanh thắng nhanh” của chúng. Đây là đóng góp có ý nghĩa to lớn giúp Trung ương cùng cả nước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Trong những năm kháng chiến, Đảng bộ thành phố Hà Nội vừa gây dựng, củng cố tổ chức ở cả vùng tự do và vùng địch tạm chiếm, vừa lãnh đạo quân dân Hà Nội tham gia cuộc chiến đấu chung trên chiến trường cả nước, vừa trực tiếp chiến đấu trên địa bàn Hà Nội. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy vào ngày 7/5/1954, ngày 10/10/1954, Hà Nội sạch bóng quân xâm lược, Thủ đô được giải phóng, trở lại vị trí trung tâm, đầu não chính trị của cả nước.
Ba là, Đảng bộ thành phố Hà Nội lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Quãng thời gian 1954-1975 là quãng thời gian có nhiều sự thử thách nghiệt ngã, song cũng rất tự hào của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Trên thực tế từ 1954-1964, về cơ bản Hà Nội có hòa bình, nhưng đặt trong tình hình nửa nước đang phải sống trong ách xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ, Hà Nội một mặt tập trung sức khôi phục và phát triển kinh tế, nhanh chóng hàn gắn các vết thương chiến tranh; đồng thời cùng miền Bắc tích cực chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam.
Từ 1965-1975, đế quốc Mỹ tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước bằng không quân và hải quân, trong đó Hà Nội phải đối đầu và đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, lập nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”, được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ; sau đó là thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đã làm nên nhiều thành tựu mới, bước đầu xây dựng Thủ đô XHCN, đồng thời ra sức chi viện cho cách mạng miền Nam. Chỉ tính riêng sức người, Hà Nội đã có trên 11.000 người con ưu tú hy sinh anh dũng cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, góp sức thu non sông về một mối.
Bốn là, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân Thủ đô cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới. Với những thành tựu to lớn đã đạt được, Thủ đô Hà Nội vinh dự được Trung ương Đảng, Nhà nước, tặng thưởng những danh hiệu cao quý: Huân chương Sao vàng lần thứ nhất năm 1984; lần thứ 2 năm 2004; lần thứ 3 năm 2010; Danh hiệu “Thủ đô anh hùng” năm 2000; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2014; được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” năm 1999; 1 Huân chương Độc lập, 31 Huân chương lao động và 4 năm liên tiếp (từ 2016) được nhận Cờ thi đua Chính phủ…