Cần có chiến lược truyền thông đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh
Nhấn mạnh, dịch diễn biến phức tạp, kéo dài, mọi ngành nghề, lĩnh vực đều gặp khó khăn trong đó có lĩnh vực thông tin và truyền thông, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) cho biết, theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), từ giữa tháng 3 năm nay một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 là thông tin và truyền thông, trong đó khối doanh nghiệp chiếm 96% ở lĩnh vực này. Nhiều tờ báo phải cắt giảm, thậm chí tạm ngừng việc sản xuất báo giấy vì dịch bệnh. Đại biểu đánh giá cao các cơ quan báo chí, thông tin và truyền thông đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Phóng viên, nhà báo không quản ngại hiểm nguy, đưa tin kịp thời, nhanh nhạy về tình hình phòng, chống dịch bệnh đến đông đảo công chúng.
Trong cuộc chiến với dịch COVID-19, đại biểu lưu ý rằng chúng ta còn đối mặt với loại dịch bệnh khác với tốc độ lây lan nhanh không kém, đó là tin giả, thông tin sai sự thật. Và theo đại biểu, báo chí là lực lượng tích cực góp phần vạch trần tin giả, cung cấp thông tin đầy đủ về tình hình dịch bệnh, ổn định đời sống và tâm lý cho người dân.
Đại biểu bày tỏ đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã chỉ ra rằng vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như một vài địa phương chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền khi ban hành văn bản hướng dẫn, làm cho người dân bị động, bất ngờ, không có thời gian thích ứng; thông tin xấu, độc, thiếu chính xác trên các mạng xã hội còn chưa kiểm soát.
Qua phản ánh từ cơ quan báo chí, truyền thông, đại biểu Phạm Nam Tiến cho biết, ông nhận thấy dù cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đó là sự chưa thống nhất giữa một số bộ, ngành liên quan đến chính sách, văn bản ban hành biện pháp chống dịch. Việc chậm thay đổi một số văn bản quan trọng hướng dẫn các tiêu chí xác định nguy cơ, quy mô vùng dịch và các biện pháp hành chính tương ứng đã khiến nhiều địa phương gặp khó, không có phương án sau giãn cách. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chủ động làm theo những điều kiện của địa phương mình, không đồng bộ và không có sự hợp tác với địa phương khác.
Mặt khác, những số liệu chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành được đưa ra truyền thông nhưng ít chất liệu, phân tích dẫn đến một số thông tin bị hiểu lầm, gây hoang mang, lo lắng. Những yếu tố trên đã làm cho công tác truyền thông trong phòng, chống dịch trở lên bị động, thiếu sự chuẩn bị bài bản.
Câu chuyện mỗi nơi một ứng dụng di động (app) phòng, chống dịch là một thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương vào lúc này. Báo cáo thẩm tra do Ủy ban Xã hội của Quốc hội thực hiện nêu một trong số 12 kiến nghị đó là đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh; hạn chế thông tin xấu, độc; thường xuyên cập nhật, nâng cấp phần mềm quản lý thông tin về phòng, chống dịch COVID-19. Nhưng đến thời điểm này, các địa phương vẫn chưa thể thống nhất một phần mềm với nhau. Như vậy, theo đại biểu, rất khó để thực hiện kiến nghị trên của Ủy ban Xã hội.
“Thời gian tới có thể dịch bệnh sẽ tiếp diễn và thậm chí phức tạp hơn. Nếu truyền thông không có sự thống nhất giữa bộ, ngành, địa phương, rất khó để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. Cùng với giải pháp thống nhất trong các chính sách, văn bản, biện pháp chống dịch, tôi kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin để báo chí đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót, đảm bảo cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19”, đại biểu Phạm Nam Tiến đề xuất.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Nam Tiến, đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) đề nghị, trong Báo cáo của Chính phủ cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông - một lĩnh vực đã trở thành nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội; "liều thuốc tinh thần" bảo đảm sức chống chịu lâu dài của nhân dân đi qua đại dịch.
Nhằm khẳng định thêm tầm quan trọng và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, truyền thông trong phòng, chống dịch, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như cho phục hồi kinh tế. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cần được truyền tải nhanh nhất, trực diện nhất đến mọi người dân thông qua các thông điệp ngắn gọn, rõ ràng, dẫn dắt hành động của người dân. Các thông điệp cần phải được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp, không nên xuất hiện một cách ngẫu hứng hay đến từ những ý tưởng đề xuất mang tính phong trào.
Kết nối, đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu tiêm chủng
Trước nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội yêu cầu phải có thống nhất một ứng dụng di động (app), tiện ích rộng mở, dễ sử dụng trong phòng, chống dịch COVID-19, từ góc độ đại biểu công tác trong ngành công an, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội), Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, thông tin Bộ Công an đã, đang làm và sẽ tiếp tục làm việc này.
Theo đại biểu, một trong những dấu ấn rất nổi bật của ngành công an trong năm 2021 là đã hoàn thành và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử cho công dân. Việc hoàn thành đưa vào hoạt động của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số ở nước ta vì đây là dữ liệu gốc, rất chính xác về công dân Việt Nam với gần 100 triệu thông tin công dân đã được số hóa, bổ sung, cập nhật thường xuyên hàng ngày. Trong phòng, chống dịch vừa qua đã cho thấy hiệu quả sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư trên thực tế, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam.
Từ dữ liệu gốc, độ chính xác và bảo mật cao, các ngành đã kết nối dữ liệu tiêm chủng để phát triển và thống nhất các ứng dụng phần mềm phòng, chống dịch, qua đó khắc phục tình trạng loạn các phần mềm chống dịch với nhiều lỗ hổng bảo mật như vừa qua.
Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã xác định kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm COVID-19 đã khỏi bệnh để triển khai thống nhất với việc ứng dụng mã QR trên thẻ căn cước công dân hoặc theo hình thức phù hợp đối với người chưa có thẻ căn cước công dân gắn chip phục vụ việc quản lý đi lại của người dân và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đại biểu Nguyễn Hải Trung đánh giá đây là chủ trương rất đúng đắn, cần được các ngành khẩn trương triển khai để mang lại hiệu quả trên thực tế.
Đại biểu cho biết thêm, Bộ trưởng Bộ Công an và Bí thư Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân có tích hợp dữ liệu tiêm chủng để kiểm soát người ra, vào Sân vận động Mỹ Đình trong trận bóng đá giữa các Đội tuyển Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 11/11 sắp tới. “Điều này sẽ mang lại sự tiện lợi rất lớn và sẽ là bài học để quản lý hoạt động xã hội khác trong điều kiện bình thường mới”, đại biểu nhấn mạnh.