Từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 10 năm 2013, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 22 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và tình hình thực tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất dự kiến chương trình kỳ họp trình Quốc hội. Đến nay, các nội dung của kỳ họp đều đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, trong đó phần lớn nội dung đã có tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội.
Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo khác cho kỳ họp đã cơ bản hoàn thành. Ủy ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao công tác chuẩn bị về mọi mặt cho kỳ họp của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan và cử tri trong cả nước, góp phần để kỳ họp tiến hành theo dự kiến, đảm bảo yêu cầu đề ra.
2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và dự án Luật đấu thầu (sửa đổi).
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các tờ trình, báo cáo và dự án để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015); kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2014; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2015; kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế (tập trung vào các nội dung: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu đầu tư công, tài chính công); sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, nền kinh tế nước ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: tốc độ tăng trưởng kinh tế mặc dù có cải thiện so với năm trước, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra; kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên còn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc; với kết quả đạt được trong 3 năm qua, dự báo tình hình nền kinh tế nước ta sẽ còn gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015).
Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí và đánh giá cao các Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban kinh tế, Ủy ban tài chính và ngân sách của Quốc hội, đồng thời, đề nghị các Báo cáo cần căn cứ, bám sát vào mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 5 năm và Nghị quyết hàng năm của Quốc hội để đánh giá tình hình kết quả từng năm và 3 năm qua bảo đảm đầy đủ, chính xác; phân tích sâu hơn những hạn chế, tồn tại trong thực hiện từng mục tiêu, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành; có giải pháp cụ thể, sát thực đối với từng lĩnh vực kinh tế - xã hội trong 2 năm 2014-2015 nhằm bảo đảm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện 3 đột phá chiến lược; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về quy hoạch tổng thể về thủy điện; việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14; Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
5. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc xử lý khoản lãi dầu khí nước chủ nhà nộp tập trung về Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam năm 2012; việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); việc ký Công ước chống tra tấn. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến các tờ trình của Kiểm toán Nhà nước về việc thành lập Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VIII trực thuộc Kiểm toán Nhà nước; kế hoạch bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013-2015 cho các dự án trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước; sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước.
TTXVN/Tin tức