Thêm tư liệu lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền biển đảo

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức tại cuộc họp báo ngày 3/6, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, những tư liệu Hán Nôm nguyên bản được công bố là những bằng chứng lịch sử quan trọng, đập tan luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc. Những luận cứ này kết hợp với những bằng chứng pháp lý theo Công ước quốc tế về luật biển sẽ là căn cứ xác đáng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.


Trường Sa, Hoàng Sa được đưa vào sách giáo khoa từ năm 1881


Theo GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, từ trước đến nay, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã có nhiều đề tài, công trình của các học giả nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Mỗi công trình, đề tài đã tiếp cận từ nhiều nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu khác nhau nhưng đều thống nhất khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc vùng biển của Việt Nam, do Nhà nước Việt Nam quản lý và khai thác từ nhiều thế kỷ trong lịch sử.

 

PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh giới thiệu về tư liệu cổ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.


Hiện nay, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đang giữ nhiều tài liệu như bản đồ, tư liệu Hán Nôm… khẳng định chủ quyền lâu đời của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông. Từ kho tư liệu đồ sộ này, Viện đã phân loại, chọn lọc những thông tin liên quan đưa vào cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông”.


Một trong những thành viên tham gia biên soạn, PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh cho biết, điểm mới của cuốn sách so với những tài liệu trước đây là lần này, nhiều tài liệu gốc được công bố nguyên bản. Cuốn sách gồm 46 tư liệu trong đó có 17 tư liệu là bộ sử, 18 bản đồ. “Các tư liệu thể hiện nhất quán việc quản lý của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và cả vùng biển của chúng ta ở Biển Đông”, PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh khẳng định.


Cuốn sách tập trung vào ba vấn đề chính. Một là từ các thời chúa Nguyễn đã luôn quan tâm tới quần đảo Hoàng Sa, coi đây là lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia và thường xuyên phái người ra đây để thăm dò. Đến thời vua Gia Long, khi thiết lập vương triều Nguyễn đã tiếp tục công việc của các chúa Nguyễn là phái người đi thăm dò đường biển ra đảo Hoàng Sa, đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ để khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo này. Thời vua Minh Mệnh, việc thăm dò và khảo sát này được Nhà nước tiến hành thường xuyên hơn, có quy mô rộng lớn và cụ thể hơn. Đặc biệt, vua Minh Mệnh còn cho cắm mốc để khẳng định chủ quyền quốc gia.


Ông Mạnh cho biết, trong cuốn Đại Nam thực lục đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới từ năm 2009, nhiều nội dung khẳng định rất rõ về chủ quyền của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Điều đặc biệt là, tàu thuyền của Ma Cao nhà Thanh có bản đồ Hoàng Sa đã đem dâng trình vua Gia Long. Điều này cho thấy, trong quan niệm và nhận thức của họ, quần đảo Hoàng Sa là của Đại Nam bấy giờ và phải dâng trình vua Đại Nam, nhà nước đang quản lý quần đảo này”, ông Mạnh nói.


Thứ hai, nhà nước phong kiến qua các triều quản lý đặt đội hải thuyền mang tên Hoàng Sa, Bắc Hải để thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển, đảo. Đáng chú ý, nhà nước phong kiến Việt Nam luôn quan tâm giáo dục ý thức coi trọng chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông cho các thế hệ con cháu. Trong các tài liệu Hán Nôm, sách dạy học chữ Hán cho lớp đồng ấu cũng đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.


“Cụ thể, sách “Khải đồng thuyết ước”, khắc in năm Tự Đức Tân Tỵ (1881), là cuốn sách dạy về các kiến thức xã hội, lịch sử, địa lý… có bản đồ ghi Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Mạnh thông tin với báo chí.


Trung Quốc xuyên tạc các tư liệu lịch sử


Trao đổi với phóng viên về việc Trung Quốc tuyên bố có tài liệu cách đây 2000 năm liên quan đến chủ quyền hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa, PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh khẳng định hoàn toàn không có văn bản này. Những tư liệu về bản đồ của Trung Quốc in thời kỳ cận đại cũng như thời gian đầu thế kỷ 20 đều cho thấy biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Trong khi đó, từ thế kỷ 17, Việt Nam đã khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa. “Điều này cho thấy Trung Quốc đang bịa đặt, vu khống, dàn dựng, xuyên tạc các tư liệu lịch sử”, PSG. TS Trịnh Khắc Mạnh nhấn mạnh.


Ông Mạnh cũng chia sẻ, ông đang giữ bức ảnh chụp cuốn sách giáo khoa dạy học sinh tiểu học của Trung Quốc in năm 1912. Trong cuốn sách này, mục địa đồ biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Bên cạnh đó, Viện có thêm phát hiện về cuốn sách “Giao châu dư địa chí”, được đề viết lại theo cuốn của Trương Phụ Mộc Thạch đời nhà Minh (Trung Quốc) cũng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.


Về kế hoạch phát hành cuốn sách trong thời gian tới, GS. TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, Viện đang tính toán xuất bản phiên bản tiếng Anh để giới thiệu ra thế giới nhằm phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, Viện sẽ tổ chức các cuộc đối thoại giữa các chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức các diễn đàn, hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông… “Qua các hội thảo, các học giả, trí thức Trung Quốc cũng sẽ đọc được những tư liệu này”, ông Thắng cho biết.

 

Bài và ảnh:Thu Phương

Công bố những tư liệu Hán Nôm nguyên bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa
Công bố những tư liệu Hán Nôm nguyên bản về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

Ngày 3/6, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức công bố giới thiệu những tư liệu Hán Nôm khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN