Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phân tích, với hơn 2.000 trường học, quy mô mỗi trường 1.000 - 2.000 học sinh, nếu tất cả học sinh đi học thì TP Hồ Chí Minh cần 3-4 triệu khẩu trang. Điều này là bất khả thi vì không đủ nguồn cung. Vì vậy, TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo xem xét lùi thời gian đi học trở lại cho học sinh, nhằm đảm bảo an toàn cho các em trong mùa dịch.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng đã có kiến nghị nhiều mức thời gian nhập học cho học sinh thành phố. Theo đó, đối với học sinh mầm non, lớp lá và học sinh lớp 5 ở khối tiểu học sẽ đi học lại vào ngày 16/3 nhưng không tổ chức bán trú. Thời gian tập trung các lớp còn lại sẽ tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh.
Ông Sơn cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh có hơn 73.000 học sinh lớp 12 và gần 100.000 học sinh lớp 9. Hiện nay, việc học trực tuyến chưa được đồng bộ, nên để đảm bảo cho các kỳ thi học sinh lớp 9 và học sinh lớp 12 sẽ học vào ngày 2/3, nhưng không tổ chức bán trú. Đối với các lớp còn lại, sẽ nhập học ngày 16/3. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, trung tâm giáo dục kỹ năng sống... cũng hoạt động trở lại từ ngày 16/3. Còn đối với các trường ĐH, CĐ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn thành phố, thì thực hiện theo cơ chế tự chủ.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, toàn thành phố có gần 136.000 học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gần 11.400 người là giáo viên, lao động của các cơ sở này. Trong số đó, 859 người đã đi qua vùng có dịch (chiếm 0,6%). Hiện 100% các đơn vị giáo dục nghề nghiệp đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ khuôn viên theo chỉ đạo của thành phố. Qua khảo sát, 43,3% đơn vị đề xuất đi học lại từ ngày 2/3; 29,2% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đề xuất đi học lại từ 16/3; còn lại 27,5% đề xuất nghỉ đến hết tháng 3, đến trường từ ngày 1/4. Do chương trình đào tạo và tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp được tổ chức thường xuyên trong cả năm nên việc cho sinh viên, học sinh nghỉ tiếp đến hết tháng 3 không ảnh hưởng việc dạy và học.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, tình hình dịch bệnh đang phát triển nhanh, lan rộng sang Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Vì vậy, cán bộ y tế và các ban ngành liên quan đến công tác phòng chống dịch từ cơ sở đến thành phố phải chủ động, không lơ là, cần nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo từ Chính phủ, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh để việc phòng chống dịch hiệu quả. Theo ông Phong, trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, cần tính toán mọi tình huống, kể cả xấu nhất, để sẵn sàng chuẩn bị giải pháp ứng phó.
Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị phải tăng cường kiểm tra, giám sát các trường hợp nhập cảnh từ vùng dịch theo đề xuất của các ngành chuyên môn; cần thiết phải trang bị các thiết bị y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch. Đối với các trường hợp cần cách ly, Sở Y tế nên đưa vào bệnh viện dã chiến đã triển khai, để tránh lây lan ra cộng đồng.