Đóng góp ý kiến về việc xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) cho phù hợp với tình hình thực tế, Đại biểu Quốc hội Phạm Trí Thức, đoàn Thanh Hoá cho rằng: “Thanh niên luôn là lực lượng xung kích trong các thời kỳ, các lãnh đạo tài ba của Việt Nam đều tham gia cách mạng từ độ tuổi thanh niên và trưởng thành. Đảng ta rất coi trọng vị trí, vai trò của thanh niên, là đội quân xung kích trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Thế nhưng trong Luật Thanh niên lại đang quy định rất nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên cho thanh niên thì cần xem lại có phù hợp không? Đó là chưa kể, bao nhiêu năm qua thanh niên vẫn đang được “ôm ấp” thậm chí “bế ẵm” quá chu đáo; thậm chí có những thanh niên 30 tuổi vẫn được mẹ gọi điện nhắc uống sữa mỗi ngày, thì làm sao có thể phát huy tinh thần xung kích. Trong Luật vẫn còn quy định chính sách bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho thanh niên, thì liệu có phù hợp không?”.
Đại biểu cũng chỉ ra nhiều quy định trong Luật Thanh niên sửa đổi cần xem xét lại. Đơn cử như các chính sách cho thanh niên đã được quy định trong các Luật khác thì không cần phải quy định lại trong Luật này như: Chính sách về lao động đã có trong Bộ Luật lao động, chính sách về học tập đã có trong Luật Giáo dục… Bên cạnh đó, một số nội dung còn chưa đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật như: Không thống nhất với Luật giáo dục ở khoản 3 điều 13 của dự thảo Luật, quy định hỗ trợ, miễn đóng học phí cho thanh niên khi tham gia học tập đạt trình độ phổ cập giáo dục phổ thông. Trong khi đó, phổ thông cơ sở là độ tuổi từ 11- 15 tuổi thì chưa phải tuổi thanh niên.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng cho rằng: “Thanh niên là một lực lượng của xã hội chứ không phải là một đối tượng của xã hội không phải là một giai tầng. Vì vậy mỗi thanh niên là một công dân đã có quyền và nghĩa vụ của công dân, không phải bàn trong Luật nữa, phải tìm ra cái gì là riêng của thanh niên. Có mấy vấn đề của thanh niên là: Học, ăn ở, việc làm, vui chơi và phát triển. Từ các vấn đề này tìm ra cách thể hiện này trong Luật Thanh niên”.
Theo đó, nếu chưa thể làm tốt tất cả, trước mắt, Luật nên tập trung vào nhóm thanh niên tiến tiến, tiên phong, xung kích trước. Cần có những chính sách mở đường, tập trung một vài chính sách rất cụ thể để lực lượng thanh niên đi đầu phát triển, ví dụ như chính sách khởi nghiệp, cho thanh niên tham gia vào một số công trình trọng điểm quốc gia… Còn với nhóm thanh niên yếu thế như nhóm thanh niên dân tộc thiểu số nếu với cách tiếp cận như hiện nay tưởng là nhân ái nhưng đang đi ngược lại xu hướng chung của thế giới. Không thể khoanh vùng cho toàn bộ sinh viên người dân tộc học riêng với nhau, tưởng văn minh nhưng là đang phân biệt đối xử, không cho họ cơ hội tiếp cận với các nhóm thanh niên khác tạo ra sự không hoà đồng…
Với nhóm thanh niên yếu thế cũng cần chính sách cụ thể cho từng nhóm thanh niên cai nghiện, thanh niên bị mắc vào tệ nạn xã hội, thanh niên khuyết tật như thế nào? Ví dụ như Việt Nam có khoảng 1,1 triệu người khuyết tật thì có thể suy nghĩ đến việc ứng dụng các tiện ích công nghệ giúp người khuyết tật không cần nhiều sự hỗ trợ khác.
“Phải tạo cho thanh niên những cái khác thường hơn một chút, Luật phải vượt trên một bước so với bình thường”, bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Trong Luật cũng cần lưu ý các vấn đề dễ mắc, dễ đi ngược lại vi phạm các công ước của quốc tế, vi phạm các điều khoản đã cam kết nhất là huy động các lực lượng lao động xã hội, dễ thành lao động cưỡng bức, nên dùng từ huy động thanh niên tình nguyện thì hợp lý hơn.
Bên cạnh đó Luật cũng cần cụ thể hoá nhóm vị thành niên là từ đủ 16- 18 tuổi, để áp dụng các điều ước quốc tế nhưng phải phù hợp với Việt Nam. Vì nhiều trường hợp khi áp dụng toàn bộ các điều ước quốc tế với nhóm độ tuổi này với Việt Nam là được nhưng lại vi phạm với quốc tế vì bị cho là sử dụng trẻ em vào sản phẩm hàng hoá, không cẩn thận “tự ta trói tay ta”.