Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy có diện tích 6.560 ha được chia làm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 1.500 ha; phân khu phục hồi sinh thái có diện tích là 4.800 ha và phân khu dịch vụ hành chính.
Khu bảo tồn có vị trí nằm ngoài vùng đê số 8 của huyện Thái Thụy, giáp ranh với 3 xã và 1 thị trấn, phía Bắc giáp sông Thái Bình với ranh giới tính từ tim dòng sông, phía Nam giáp sông Diêm Hộ với ranh giới tính từ tim dòng sông trở ra 400 m dành cho hành lang bảo vệ luồng, phía Tây giáp đê biển số 8 và phía Đông giáp Biển Đông.
Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy nhằm bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học ở vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy (Thái Bình); đặc biệt là bảo tồn các loài chim di cư, trú đông bị đe dọa cấp toàn cầu. Hoạt động này cũng khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc quản lý; khai thác sử dụng khôn khéo các dịch vụ hệ sinh thái ngập nước, đảm bảo tính kết nối với các sinh cảnh liên kết.
Ngoài ra việc thành lập khu bảo tồn còn góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái ở vùng đất ngập nước ven biển, đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Việt Nam có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước, phân bố đều khắp tại các vùng sinh thái. Các hệ sinh thái đất ngập nước đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế của nhiều ngành nghề như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, dịch vụ du lịch... Bên cạnh đó, đất ngập nước còn mang giá trị về khoa học, giáo dục, văn hóa, lịch sử; là nguồn cội của nền văn minh lúa nước gắn với đời sống văn hóa, tinh thần và nhiều phong tục của người dân nước ta.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy là khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao, được ghi nhận là một trong 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế, là nơi sinh sống của nhiều loài chim di cư, trú đông đang bị đe dọa trên toàn cầu. Ngoài ra, khu vực này còn được đánh giá có khả năng cung cấp nhiều loại dịch vụ hệ sinh thái khác nhau như: Cung cấp nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đường bờ, điều tiết khí hậu, làm sạch môi trường… Việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy thể hiện sự cam kết và quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Thái Bình trong bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy sẽ được quản lý tốt, mang lại lợi ích thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.