Thẩm tra Nghị quyết về việc Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình

Phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã khép lại vào ngày 5/9 với nội dung cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là buổi thẩm tra chính thức của Ủy ban đối với Tờ trình của Chính phủ và dự thảo của Nghị quyết này.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa (trái) trong buổi gặp mặt Trung tá Mạc Đức Trọng và Trung tá Trần Nam Ngạn trước lúc lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hơp quốc tại Phái bộ Nam Sudan. Ảnh: Nguyễn Hồng Pha - Thông tấn quân sự


Việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một vấn đề mới đối với Việt Nam, do đó vẫn còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết. Theo dự thảo Nghị quyết, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là các hoạt động hỗ trợ thực hiện hiệp định hòa bình, giám sát đình chiến, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hỗ trợ bầu cử, cứu hộ nhân đạo, hỗ trợ khôi phục tái thiết và phát triển sau xung đột do Liên hợp quốc tổ chức…

Tại buổi thẩm tra, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng như: tính khả thi, tên gọi của Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh, các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; kinh phí thực hiện, chính sách dành cho các lực lượng khi tham gia; thẩm quyền quyết định, quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện; nguyên tắc khi tham gia; những vướng mắc, khó khăn khi tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…

Theo các đại biểu, việc xây dựng Nghị quyết về vấn đề này là cần thiết, đây là cơ hội để chúng ta chủ động hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Thay mặt Ban soạn thảo, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã giải trình một số vấn đề thắc mắc được đại biểu đặt ra, đồng thời tiếp thu và trình Chính phủ xem xét về vấn đề lực lượng tham gia nêu trong Nghị quyết.

Tán thành với những ý kiến của các đại biểu và thống nhất với tên gọi dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Tờ trình và dự thảo Nghị quyết đã được Ban soạn thảo tiếp thu khá đầy đủ những ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 30 trước đó. Đây là vấn đề khá mới, do đó chúng ta phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết có 6 chương với 13 điều là quá nhiều, cần chỉnh sửa để ngắn gọn hơn. Ban soạn thảo cần làm rõ những vấn đề về cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thẩm quyền quyết định và quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các vấn đề được đại biểu nêu ra tại buổi thẩm tra, Ban soạn thảo phải có giải trình đầy đủ, cụ thể, thuyết phục để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình Ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp sắp tới. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh có báo cáo thẩm tra chính thức và tham mưu cho Quốc hội xem xét về vấn đề này.

Sau 2 ngày làm việc, phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã cho ý kiến thẩm tra về 3 vấn đề gồm: Dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường; Dự thảo Nghị quyết về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.


Vũ Tiến Lực
Hội thảo về việc ASEAN tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế
Hội thảo về việc ASEAN tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định việc tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ là một quyết định quan trọng của Việt Nam, thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam sẵn sàng góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN