Thẩm định lại đánh giá tác động môi trường của dự án sông Đồng Nai

Đó là một trong những kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tại công văn số 2159/BTNMT-TNN  ngày 29/5, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai.

Rà soát nội dung liên quan đến dự án

Theo báo cáo, Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai do UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Khu vực dự án nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh trên sông Đồng Nai, do Công ty cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, khởi công tháng 1/2015. Dự án có quy mô 8,4 ha, trong đó có 7,7 ha do lấn dòng chính sông Đồng Nai, với tổng chiều dài 1,3 km, chiều rộng lớn nhất khoảng 100m. Việc xây dựng kè bờ lấn ra sông được thực hiện tại đoạn sông có mặt cắt khoảng 800 m, là mặt cắt lớn nhất tính từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh.

Ngày 27/3/2015, Chủ đầu tư dự án đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho phép dừng Dự án để xin ý kiến các bộ, ngành, các nhà khoa học và được UBND tỉnh Đồng Nai chấp nhận tạm dừng thi công dự án từ ngày 28/3/2015, nhằm rà soát lại các nội dung liên quan đến dự án. Hiện nay, đã ngưng hoàn toàn các công việc thi công trên công trường.

Không gian dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai nhìn từ trên cao. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN


Sau khi khảo sát thực tế tại khu vực thực hiện dự án, Tổ công tác liên ngành nhận thấy: Dự án đã tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đất đai, xây dựng, đầu tư, giao thông đường thủy và đã có đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Xây dựng, đồ án Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa đã xác định khu đất Dự án lấn sông Đồng Nai khi chưa thực hiện quy trình điều chỉnh cục bộ các nội dung liên quan đến đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 227/2003/QĐ-TTg ngày 06/11/2003.

Về việc tuân thủ pháp luật khí tượng thủy văn, trạm thủy văn Biên Hòa đặt giữa khu vực san lấp lấn sông tạo mặt bằng của dự án. Dự án thực hiện sẽ phải di dời trạm thủy văn và như vậy sẽ ảnh hưởng cả chuỗi số liệu đã có trong quá khứ, khi trạm di dời sẽ phải tính toán lại các cấp báo động lũ theo Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai ban hành ngày 15/8/2014.

Bên cạnh đó, dự án chưa làm rõ sự tuân thủ các quy định tại Điều 9, Điều 63 Luật Tài nguyên nước năm 2012 về bảo đảm thoát lũ; sự lưu thông dòng chảy; không gây sạt lở bờ sông, trong quá trình triển khai, dự án chưa lấy ý kiến của Bộ TN&MT.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và báo cáo đánh giá tác động dòng chảy đều chưa làm rõ, đánh giá đầy đủ để có thể định lượng các tác động của dự án tới thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông làm cơ sở thực hiện dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai đã có báo cáo giải trình. Theo đó, đối với việc tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng, trên cơ sở ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đồng Nai đã điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP Biên Hòa giai đoạn đến năm 2030 (Quyết định số 2302/QĐ-UBND ngày 25/7/2014). Đối với việc di dời Trạm thủy văn Biên Hòa, Chủ đầu tư đã có Biên bản họp về việc di dời trạm với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã giải trình các vấn đề cụ thể khác, nhất là đối với Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, Báo cáo đánh giá tác động môi trường. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã xác định nguồn gốc đất đá dùng lấp sông không lấy từ sân bay Biên Hòa.

Thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường

Mặc dù trong Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, Tư vấn lập báo cáo và Tư vấn thẩm tra đều kết luận: Việc xây dựng các công trình lấn sông ở khu vực từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh không làm thay đổi đáng kể về chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không làm ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận, nhưng trong phần kiến nghị, Tư vấn lập Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy cũng cho rằng kết quả tính toán mới dừng ở mức sơ bộ, cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Như vậy, việc dựa vào kết luận của Báo cáo đánh giá tác động dòng chảy để triển khai thực hiện dự án là chưa đủ cơ sở khoa học tin cậy.

Theo Bộ TN&MT, Dự án thực chất có 2 nội dung gồm cải tạo cảnh quan dọc sông Đồng Nai và phát triển đô thị trên phần đất lấn sông. Theo Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 phường Quyết Thắng được phê duyệt năm 1997, toàn bộ khu vực bờ sông Đồng Nai đoạn qua khu trung tâm lịch sử của thành phố Biên Hòa (kéo dài khoảng 2,7 km từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh) được quy hoạch thành khu cảnh quan ven sông, bao gồm việc xây dựng kè bảo vệ bờ sông. Năm 2005, UBND tỉnh đã giao UBND TP Biên Hòa và Sở NN&PTNT nghiên cứu các dự án bờ kè, công viên từ cầu Hóa An đến cầu Rạch Cát. Từ năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung mục đích phát triển đô thị ven sông bên cạnh việc kè bờ và xây dựng công viên được hình thành từ trước đó.

Việc lấn sông để phát triển đô thị sẽ có những tác động đến dòng chảy, mức độ tác động tùy thuộc vào kết quả nghiên cứu tiếp theo. Để đảm bảo tính khách quan và khoa học của Dự án, làm cơ sở quyết định việc tiếp tục thực hiện hay dừng dự án, Bộ TN&MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục dừng thực hiện dự án; giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, đặc biệt là vấn đề thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông.


Thu Trang

Móc lên toàn bộ đất đá lấn bờ sông Đồng Nai
Móc lên toàn bộ đất đá lấn bờ sông Đồng Nai

Cơ quan chức năng đã hoàn tất công tác khắc phục và trả lại nguyên trạng ban đầu cho khu vực bờ sông Đồng Nai ở ấp Thái An.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN