Dự án có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng từ nguồn vốn của một số doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, vốn bổ sung của Quân khu I và UBND tỉnh Thái Nguyên. Dự án gồm nhiều hạng mục như: Chòi nghỉ với diện tích 28m², khuôn viên cụm Đài tưởng niệm, trụ đài tưởng niệm; nhà che bia, trưng bày, sắp lễ; sân đường nội bộ; bãi đỗ xe…
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử địa điểm thành lập Đội Cứu quốc quân II có ý nghĩa chính trị, lịch sử quan trọng; do vậy, các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công; tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Các đơn vị phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thiện, đưa công trình đi vào hoạt động theo đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của nhân dân.
Tại lễ khởi công, Thiếu tướng La Công Phương, Phó Chính ủy Quân khu I yêu cầu các nhà thầu bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt; triển khai thực hiện dự án đúng theo tiến độ hợp đồng ký kết; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Quân khu I và chính quyền địa phương để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi công…
Cách đây gần 83 năm, vào ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, Trung đội Cứu Quốc quân II được thành lập với 36 cán bộ, chiến sỹ. Dù trang bị vũ khí thô sơ, nhưng đội Cứu Quốc quân II đã cùng nhân dân chiến đấu, thành lập chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên tại Thái Nguyên. Sau này, đội Cứu quốc quân II được hợp nhất với các lực lượng vũ trang cách mạng khác trở thành Đội Việt Nam Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1994, địa điểm rừng Khuôn Mánh được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Võ Nhai luôn phát huy giá trị di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau.