Hội nghị lần này có chủ đề “Cơ hội và thách thức của các hệ thống an sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động”. Hội nghị do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đăng cai tổ chức theo quy chế luân phiên của Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA).
Dự và phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vũ Đức Đam chúc Hiệp hội không ngừng lớn mạnh và phát triển, trở thành diễn đàn hợp tác hiệu quả về an sinh xã hội của khu vực, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển của mỗi quốc gia và đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN theo tinh thần Thỏa thuận cấp cao Tầm nhìn ASEAN 2025.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại những cơ hội lớn cũng như những thách thức cho thế giới nói chung và các nước khu vực ASEAN nói riêng, nhiệm vụ của chúng ta là phải làm cho sự thay đổi ấy theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch đương nhiệm ASSA khẳng định: Tham gia ASSA từ những ngày đầu thành lập năm 1998, trải qua 2 thập kỷ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tự hào sát cánh cùng các tổ chức thành viên đóng góp xây dựng, phát triển ngôi nhà chung ASSA trưởng thành và lớn mạnh như hiện nay.
Hệ thống an sinh xã hội ASEAN đang bước sang một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội và thách thức do tác động lan tỏa từ cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình tự do dịch chuyển lao động trong khu vực, đòi hỏi ASSA cần có cách tiếp cận sáng tạo, tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy thế mạnh về kinh nghiệm và công nghệ của các tổ chức thành viên. Đồng thời, liên kết hiệu quả tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh của cả Hiệp hội vì sự nghiệp an sinh xã hội bền vững cho mọi người dân trong cộng đồng ASEAN.
Ngay sau phiên khai mạc, các phiên hội thảo trong chương trình Hội nghị được triển khai với nhiều chủ đề bám sát chủ đề lớn “Cơ hội và thách thức của hệ thống an sinh xã hội khu vực ASEAN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động".
Tại các hội thảo, đại biểu và các diễn giả tập trung thảo luận, trao đổi, chia sẻ về cơ hội và thách thức đối với hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động; trao đổi, thảo luận về xu thế phát triển của an sinh xã hội thế giới, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và tự do dịch chuyển lao động đến tái cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm của mỗi quốc gia; những yêu cầu đặt ra đối với hệ thống an sinh xã hội trong thời gian tới.
Đồng thời, đại biểu đưa ra các ý kiến, giải pháp giúp Chính phủ các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách và toàn bộ hệ thống an sinh xã hội của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách, đảm bảo cho người lao động, nhất là lao động di dân và các thành viên gia đình họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi, chế độ, để dễ dàng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế, lao động và việc làm dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 18 - 19/9.