Tha hóa quyền lực nhìn từ Đại án Việt Á - Bài 4: Lỗ hổng trong kiểm soát quyền lực

Hễ nhắc đến kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, nhiều người dẫn lại câu nói nổi tiếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế"…

Cách đây chưa lâu, báo giới đặt vấn đề về trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đang bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kỷ luật, nhưng lại vừa ngồi vào ghế Trưởng ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hải Dương.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Kỳ họp thứ 18 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tại Kỳ họp 18 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra đã kết luận, và khẳng định, ông Phạm Xuân Thăng có trách nhiệm trong các vi phạm này "đến mức phải xem xét kỷ luật".

Trong khi đó, theo Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thành lập, chịu trách nhiệm trước ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh cần lựa chọn những người tiêu biểu, gương mẫu, có tinh thần đấu tranh chống tham nhũng để tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Tiêu chuẩn phải là số một. Không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết.

Nhiều ý kiến cho rằng: Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là bước tiến lớn và Bí thư tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh là hoàn toàn phù hợp. Vấn đề sau khi đưa vào rồi mới phát hiện đó là người không liêm chính, có "vết" là điều không mong muốn. Nhưng khi phát hiện vi phạm, kể cả bí thư, trưởng ban, hay bất cứ ai cũng phải xử lý. Sai đến đâu xử đến đó và sau đó phải loại ra khỏi Ban Chỉ đạo. Phải thực hiện biện pháp để "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế".

Có ý kiến bàn rằng: Cán bộ, nhất là người đứng đầu phải tự xem, tự xét, nêu gương. Khi thấy mình không đủ tư cách, đạo đức thì xin không tham gia Ban Chỉ đạo và tổ chức đảng phải dám nói, dám đấu tranh. Đừng vì cơ cấu mà để những cán bộ kém đức, kém tài, vi phạm vào đó. Có cơ chế rồi, đừng để cảnh "chân mình thì lấm mê mê. Đi cầm bó đuốc mà rê chân người".

Song, từ thực tế cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, ngoài dấu hỏi về việc đấu tranh trong nội bộ tổ chức, ở đây rõ ràng việc giám sát, kiểm tra phát hiện từ sớm, cảnh tỉnh từ xa chưa đảm bảo yêu cầu. Phải chăng "lồng cơ chế" có "lỗ hổng" nên mới không kiểm soát được quyền lực. Thế nên mới dẫn đến một số tổ chức đảng, cán bộ ở Hải Dương vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống dịch, "nhất là việc chỉ đạo ký hợp đồng, tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á độc quyền bán bộ kit xét nghiệm và tham gia thực hiện xét nghiệm trái quy định"…

Chú thích ảnh
Ngày 11/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hậu Giang ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Lành, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, vì có hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN

Nhắc lại chuyện này cũng để thấy, "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế" là quyết tâm chính trị rất lớn, cũng là vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Chính vì vậy, trước Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Quy định có những nội dung cụ thể, rõ ràng, chi tiết, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong giải quyết những vấn đề nhức nhối nhất của công tác cán bộ tồn tại nhiều nhiệm kỳ qua, nhất là đối với việc lựa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ mới.

Còn nhớ, khi 200 thành viên của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ra mắt tại phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dặn dò: Đất nước có rất nhiều thuận lợi, thời cơ, nhưng cũng có muôn vàn khó khăn, thử thách, có những điều không thể lường trước được. Cho nên, tuyệt đối không được chủ quan, không được tự mãn, không được tự đại và càng phải khiêm tốn, làm mọi công việc để xứng đáng với sự tin cậy của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chưa bao giờ nhân dân ta có mức sống cao như hiện nay. Ðảng ta có số lượng đảng viên đông, được học tập văn hóa, bồi dưỡng chính trị một cách có hệ thống, cán bộ đảng viên ta lại được tư tưởng sáng ngời của Bác Hồ dẫn dắt. Thế nhưng, nước ta vẫn còn nhiều người, nhiều vùng nghèo đói. Cũng chưa bao giờ trong Ðảng lại có tình trạng đảng viên vi phạm nhiều như hiện nay, nhiều hiện tượng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.

10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 34 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng cùng hàng chục sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phải thi hành kỷ luật 6 Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 3 người liên quan đến "con virus" Việt Á, gồm các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và Phạm Xuân Thăng.

Tại sao như thế?

Trở lại quyết tâm chính trị rất cao "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế". Để "lồng cơ chế" hoạt động hiệu quả thì kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước vận hành hiệu quả cao, rõ ràng, minh bạch, không bị thao túng, không xảy ra "lỗ hổng" để tư lợi là rất đúng, rất trúng, rất cần thiết. Nhưng dường như vẫn còn thiếu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Để chống lại tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân, đòi hỏi các cơ quan Đảng, Nhà nước và cán bộ phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng, của nhân dân". Vậy, một điều hết sức quan trọng trong kiểm soát quyền lực góp phần ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực nữa là cần phải tạo mọi điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ một cách hiệu quả.

Theo Giáo sư Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, điều quan trọng là cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát của xã hội với Nhà nước - đó là nhân dân kiểm soát quyền lực Nhà nước. Nhân dân là chủ thể của quyền lực Nhà nước nên phải kiểm soát quyền lực mà mình đã giao cho Nhà nước. Việc kiểm soát này được thực hiện thông qua một số chủ thể như, các tổ chức, chính trị, xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp. Cá nhân công dân thực hiện kiểm soát quyền lực qua các quyền như ứng cử, bầu cử, khiếu nại, tố cáo. Cùng với đó là vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong thực hiện kiểm soát quyền lực Nhà nước. Có thể nói, kiểm soát bên ngoài chính là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ quan công quyền trong việc thực hiện quyền lực.

Bài cuối: Kiềng ba chân cho 'chiếc lồng cơ chế'

Quỳnh Hoa - Hạnh Quỳnh – Việt Đức - Xuân Tùng (TTXVN)
Tha hóa quyền lực nhìn từ Đại án Việt Á - Bài cuối: Kiềng ba chân cho 'chiếc lồng cơ chế'
Tha hóa quyền lực nhìn từ Đại án Việt Á - Bài cuối: Kiềng ba chân cho 'chiếc lồng cơ chế'

Để kiểm soát quyền lực cần phải tạo dựng được một thế kiềng ba chân, đó là kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật nghiêm minh của Nhà nước và sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Song để tạo ra "chiếc lồng cơ chế" vững chãi đủ sức kìm tỏa quyền lực lại là một thách thức lớn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị phải trên dưới một lòng, "dọc ngang, thông suốt" chung tay xây dựng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN