Lúc này nhân dân không chỉ chờ đợi "chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt", quan trọng nhất là phải làm sao để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả và kịp thời tình trạng cán bộ, đảng viên lạm quyền, lợi dụng quyền lực. Quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ để không ai, không hành vi sai phạm nào có thể lọt qua. Những khuyết tật của quyền lực phải được cắt bỏ như loại bỏ những ung nhọt nhức nhối để cơ thể được khỏe mạnh.
Đại án Việt Á đang tiếp tục được cơ quan chức năng mở rộng điều tra để đưa ra ánh sáng công lý. Nhằm nhận diện những lỗ hổng cũng như góp phần vào công tác cán bộ của Đảng, nhóm phóng viên TTXVN thực hiện loạt 5 bài viết: "Tha hóa quyền lực nhìn từ Đại án Việt Á".
Bài 1: Lời thề trước Đảng, lời hứa trước dân
Khi Ban Chấp hành Trung ương khóa mới ra mắt tại phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có những chia sẻ chân thành, sâu sắc: "vinh dự càng cao thì trách nhiệm càng lớn".
Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Nghị quyết của Đảng đã đặt nhiệm vụ trọng tâm là tập trung kiểm soát đại dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Là những cán bộ cấp cao, cấp chiến lược của Đảng, các Ủy viên Trung ương, các Ủy viên Bộ Chính trị có vinh dự và trách nhiệm to lớn trong triển khai thực hiện chủ trương rất đúng, rất trúng của Đảng đối với công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo mục tiêu "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế". Cho nên lời hứa nguyện "toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" của 200 đồng chí Ủy viên Trung ương tại Đại hội có ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, tinh thần cống hiến vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân.
Ấy vậy mà, có những vị "hứa" rồi để đấy, vẫn làm liều, thiếu trách nhiệm, tham nhũng. Vậy lời hứa gánh vác, thực hiện nhiệm vụ to lớn mà Đảng, Nhà nước giao phó, rồi đây sẽ như thế nào?
Cũng bởi trăn trở này mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII tổ chức vài tháng sau đó đã quyết định mở rộng phạm vi, gắn xây dựng Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trung ương thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm, coi đây là căn cứ và cơ sở quan trọng để xem xét, xử lý các vi phạm của cán bộ, đảng viên. Và, Trung ương đặc biệt đòi hỏi sự vào cuộc cả hệ thống chính trị.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 4 đã nhấn mạnh: "Từng đồng chí Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm rất cao, sự nỗ lực rất lớn".
Sự gương mẫu của cán bộ Trung ương được Trung ương đặc biệt nhấn mạnh là cực kỳ quan trọng. Bởi cán bộ là cái gốc, sau đường lối đúng thì cán bộ quyết định hết thảy. Đảng, Nhà nước có chủ trương đúng nhưng không có cán bộ tốt thì đúng mấy cũng vô ích. Cho nên có gương mẫu thì cán bộ mới đưa được nghị quyết, chủ trương của Đảng vào cuộc sống, mới được tập thể, nhân dân noi gương. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương lớn, người suốt đời thực hành nêu gương, làm gương và noi gương. Người nói, đảng viên đi trước, làng nước theo sau và "muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước trong công việc, phải có tinh thần trách nhiệm cao".
Nhận thức của nhân dân về sự gương mẫu rất giản dị: Nếu có lòng tự trọng và ý thức thì đều có thể làm gương mẫu. Thước đo lòng tự trọng chính là giữ lời hứa. Giữ lời hứa chính là giữ uy tín. Trước là giữ tín với bản thân, sau là với người khác. Người cán bộ, đảng viên có trọng trách càng cao, càng phải chú ý việc giữ lời hứa, giữ uy tín. Làm là phải đúng với lời nói. Vậy nên, vào lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề, lại xảy ra vụ án sai phạm tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, trong dân có nhiều ý kiến mắng rằng: "Cán bộ bây giờ có những người thiếu tự trọng, hứa như rồng leo… !".
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những mất mát, nỗi đau quá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội. Điểm tựa lúc đó của toàn xã hội chính là Đảng, Nhà nước, với những chính sách ưu tiên cao nhất vì sức khỏe, tính mạng người dân, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì ổn định kinh tế. Thế nhưng khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, gồng mình chống dịch thì hàng chục lãnh đạo cấp tỉnh, cấp trung ương, cán bộ ngành y tế, sỹ quan cao cấp lực lượng vũ trang, từ đảng viên thường tới cán bộ cấp cao trong hệ thống chính trị, lại liều lĩnh bắt tay với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á để trục lợi từ đại dịch.
Cho đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố 25 vụ án, 95 bị can với hàng loạt tội danh: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hiện 62/63 cơ quan điều tra cấp tỉnh đã vào cuộc. Trong những người vi phạm bị bắt tạm giam có cả Ủy viên Trung ương Đảng là ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương.
Lý do sai phạm của những vị này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ rõ, đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, vi phạm về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng…
Vậy điều gì đã khiến cho các vị quyền cao, chức trọng mới hôm nào hứa nguyện trước Đảng, trước dân, một lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nay lại hành động như vậy? Theo một cách hiểu mô phạm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là thói thực dụng chính trị, thực dụng đạo đức. Nghĩa là, chỉ nhằm vào những gì mang lại lợi ích cho mình và phe nhóm mình mà không quan tâm tới lợi ích chung của đất nước, của nhân dân. Từ đó tạo nên kiểu "trên có chính sách, dưới có đối sách"... làm vỡ tính thống nhất và chỉnh thể của đường lối, của tổ chức, làm phân liệt ý chí và rã rời sức mạnh của tổ chức. Và, V.I. Lenin đã gọi đó là một sự "man rợ".
Bài 2: Vòng xoáy quyền, tiền