Tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực được chất vấn

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trí tuệ và trách nhiệm cao, với tinh thần luôn luôn đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công tốt đẹp.

Các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn đối với những vấn đề trọng tâm trong các lĩnh vực y tế, lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, kế hoạch và đầu tư, là các vấn đề được cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm. Các Bộ trưởng được phân công trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng, đầy đủ các vấn đề được đại biểu Quốc hội chất vấn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Chính phủ báo cáo làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Một số Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, trưởng ngành đã tham gia giải trình, làm rõ thêm nội dung đại biểu quan tâm.  

Việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, được dư luận và nhân dân đánh giá cao. Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm, trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch COVID-19 tác động nặng nề, ảnh hưởng xấu tới mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân và doanh nghiệp.  

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị và các ngành, các cấp đã tập trung cao độ, đồng lòng, đồng sức để vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm đời sống của người dân và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, hạn chế, tồn tại, khó khăn trước mắt còn nhiều, cần phải phát huy kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, có giải pháp cả trước mắt và lâu dài để thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát hiệu quả, linh hoạt phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.  

Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được và các giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tại phiên chất vấn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn.

Ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 trước ngày 1/1/2022

Tổng kết việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong các đợt dịch vừa qua để xây dựng chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới. Trước ngày 1/1/2022, ban hành Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch với các phương án, kịch bản cụ thể, sát với tình hình, không để lúng túng, bị động, bất ngờ. Sớm khắc phục những vấn đề chưa thống nhất, thiếu nhất quán trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch; đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch.  

Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về việc áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng thuốc chữa bệnh, quản lý và mua sắm trang thiết bị y tế.  

Khẩn trương nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.  

Trong năm 2022, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế. Sớm nghiên cứu nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.

Có giải pháp hiệu quả từng bước giảm sự chênh lệch chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các bệnh viện tuyến cuối ở một số địa bàn theo khu vực địa lý; tăng cường triển khai khám, chữa bệnh từ xa; đẩy mạnh biện pháp chữa bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, bao gồm cả trong điều trị COVID-19.  

Tăng độ bao phủ bảo hiểm y tế đối với nhóm đối tượng theo hộ gia đình; hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế tài chính; chính sách huy động nguồn lực, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công - tư trong lĩnh vực y tế.  

Đầu năm 2022, phấn đấu hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100%, ưu tiên sớm tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi (trừ đối tượng thuộc diện chống chỉ định tiêm vaccine); nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng tiêm vắc xin cho trẻ dưới 18 tuổi; triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba.

Trong năm 2022, sớm xem xét cấp phép sản xuất cho vắc xin trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn vaccine. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả trên phạm vi cả nước Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đồng thời, có Kế hoạch triển khai Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 ngay sau khi được ban hành.

Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm việc phân cấp quản lý đối với hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã theo hướng giao UBND cấp huyện quản lý ở những nơi đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Sắp xếp, bố trí mô hình trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Chú trọng đào tạo và đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ y tế các tuyến; có chính sách đãi ngộ, đặc thù, chế độ thâm niên nghề nghiệp đối với lực lượng y tế, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế học đường, vùng sâu, vùng xa, miền núi. Sớm thực hiện việc tinh giản, sắp xếp đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, công tác chuyên môn cho phù hợp.

Trong năm 2022, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định Đề án tăng cường năng lực hệ thống y tế để triển khai thực hiện. Nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng cả về nhân lực và cơ sở vật chất, trong đó thực hiện việc ưu tiên bố trí ngân sách cho y tế dự phòng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, y tế cơ sở, đặc biệt là đối với các địa phương còn nhiều khó khăn; khẩn trương xây dựng các phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4; sớm hình thành các Trung tâm kiểm soát bệnh tật theo khu vực, theo vùng.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế được thực hiện nghiêm minh; chủ động kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai xét nghiệm COVID-19 bảo đảm đúng quy định về giá của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập.

Trong năm 2022, tổ chức thanh tra, kiểm toán chuyên sâu về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.  

Triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19

Đẩy nhanh việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo đảm thuận lợi, chính xác, nhanh chóng. Rà soát, nghiên cứu để có đề xuất hỗ trợ kịp thời đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng theo quy định đã ban hành, quan tâm nhóm đối tượng yếu thế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, trục lợi chính sách.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Khẩn trương đánh giá, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp tổng thể để phục hồi, phát triển thị trường lao động trong nước. Trong năm 2021, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội phù hợp với tổng thể Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bố lại dân cư và lao động trên phạm vi toàn quốc, việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng nghề, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động, chính sách đối với lao động nữ, lao động khu vực phi chính thức và các đối tượng dễ bị tổn thương, bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.  

Xây dựng phương án hiệu quả khắc phục tình trạng số lượng lớn người lao động di chuyển tự phát khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương, nhất là các địa phương có người lao động hồi hương; có giải pháp “giữ chân” và “thu hút” lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng kinh tế trọng điểm. Tiếp tục củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn, toàn diện, hướng tới thị trường lao động đa dạng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động và nâng cao chất lượng dự báo. Nâng cao chất lượng công tác quản lý, theo dõi việc thực hiện khai trình lao động của người sử dụng lao động và gắn với chất lượng hoạt động dịch vụ việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm. Năm 2022, hoàn thành Đề án nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động. Năm 2024, thực hiện liên thông cơ sở dữ liệu về thị trường lao động.

Rà soát, ban hành chính sách bảo trợ đối với trẻ em mồ côi do dịch COVID-19, bảo đảm trẻ em có nơi nương tựa, không bị bỏ rơi. Tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quan tâm phòng, chống xâm hại trẻ em.  

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác trợ giúp xã hội và công tác thiện nguyện bảo đảm công khai, minh bạch. Khẩn trương làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm trong thời gian qua; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và quản lý vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, các hoàn cảnh khó khăn để kêu gọi hỗ trợ từ thiện, trục lợi.

Quan tâm giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc như: đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chính sách xã hội hóa về bảo trợ xã hội; tình trạng người lao động bán sổ bảo hiểm xã hội; tiền lương đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995; việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững... đặt trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Đánh giá đầy đủ, chính xác tác động của dịch COVID-19, cả thách thức và cơ hội đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ động xây dựng chiến lược tổng thể, kế hoạch triển khai của ngành giáo dục và đào tạo thích ứng với dịch bệnh. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bố trí đủ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt liên quan đến chế độ, chính sách cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Có giải pháp cụ thể, sớm thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu ban hành các chính sách đặc thù để bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non; sớm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các địa phương, nhất là ở các tỉnh miền núi.

Đầu năm 2022, tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, nhất là học sinh tiểu học; có giải pháp bảo đảm chất lượng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi trở lại trường học. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, sớm triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho học sinh; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, hệ thống y tế trường học; xây dựng chiến lược, lộ trình, phương án cụ thể cho học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trung.

Tiếp tục rút kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông trung học và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021, hoàn thiện phương án tổ chức thi cho năm 2022 bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp với tình hình dịch bệnh.

Tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương, cơ sở giáo dục trong công tác đào tạo, tổ chức thi, tuyển sinh. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong nhà trường. Có giải pháp hiệu quả hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tiến hành rà soát, đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp hợp lý các đầu mối, trường lớp, bảo đảm chất lượng, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tăng cường quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đã tự chủ tài chính, không để xảy ra các sai phạm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các trường đại học, định hướng phát triển các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Tăng cường quản lý việc mở ngành đào tạo khối sức khỏe của các trường đại học.  

Triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Trên cơ sở đánh giá sâu sắc, toàn diện những tác động của dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, tình hình kinh tế của khu vực, thế giới và những kinh nghiệm thực hiện chính sách hỗ trợ giai đoạn 2008 - 2009, trong năm 2021, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.  

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải có sự điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp với các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng cả về tổng cung và tổng cầu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu vực thực sự cấp bách và cần thiết, có khả năng hấp thụ vốn, theo lộ trình phù hợp trong giai đoạn 2022 - 2023. Đồng thời, xây dựng những chương trình quản lý rủi ro, đảm bảo cho việc huy động, phân bổ các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng trong quá trình phân bổ và sử dụng chính sách hỗ trợ này.

Khẩn trương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và có các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ, phát triển hộ kinh doanh; xây dựng, ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; sớm ban hành Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân kế toán và quyết toán vốn đầu tư. Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất bố trí vốn sát với khả năng thực hiện, khả năng giải ngân; kịp thời điều chuyển vốn không có khả năng giải ngân và giải ngân chậm cho những dự án có tỷ lệ đã giải ngân cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.  

Năm 2021, phấn đấu phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 90% dự toán Quốc hội giao; năm 2022, phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 100% dự toán Quốc hội giao. Chậm nhất là 31/12/2022, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch. Trong tháng 12/2021, phê duyệt quy hoạch phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo cơ sở huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ODA đầu tư phát triển hạ tầng, các dự án thích ứng biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển kinh tế và liên kết vùng.  

Sớm trình Quốc hội xem xét quyết định Đề án thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng và dự án tái định cư ra khỏi các dự án đầu tư công. Kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.  

Các dự án quan trọng quốc gia trước khi trình Quốc hội cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, theo đúng quy trình, bảo đảm khả thi, nhất là vấn đề huy động vốn và ý kiến của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở các cấp, ngành, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.  

Trong năm 2021, sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài nhằm tăng cường công tác vận động, thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt chú trọng đối với các dự án có quy mô lớn về phát triển kinh tế - xã hội, các dự án kết nối hạ tầng có tính chất liên vùng, có tác động lan tỏa, các dự án về ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, các khoản hỗ trợ cho việc phòng, chống dịch COVID-19. 

V.Tôn/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế-xã hội
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế-xã hội

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 13/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với 465/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,19%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN